Bạn đang ở đây

Liên kết tạo sức mạnh

05/07/2016 10:36:08

6 tháng đầu năm, dù còn nhiều khó khăn nhưng công nghiệp, thương mại của vùng cơ bản ổn định, có tăng trưởng. Cơ cấu công nghiệp có bước chuyển tích cực với tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dần; tỷ trọng công nghiệp khai khoáng giảm... Thị trường khu vực ngày càng được mở rộng, nhất là vùng nông thôn. Công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh; triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổ chức phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi được chú trọng. Ngoài ra, các tỉnh Bắc Trung bộ đã chủ động, tích cực mở rộng thêm khách hàng, tìm thị trường mới ở châu Phi, Nam Mỹ...

Cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm của hầu hết các tỉnh đều đạt trên 7,5%, cao nhất là Hà Tĩnh (21,5%). Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của vùng vẫn giữ được mức tăng trưởng khá như: Đường kết tinh, may mặc, tinh bột sắn, bia, sợi, phân bón... Nhiều sản phẩm đặc thù của địa phương có sức cạnh tranh và sản lượng duy trì mức tăng ổn định: Thép cán (Thanh Hóa), sữa chế biến (Nghệ An), thức ăn gia súc (Hà Tĩnh), dăm gỗ (Quảng Bình, Thừa Thiên Huế)... 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận nhiều dự án được đưa vào hoạt động tại khu vực như: Dự án Nhà máy gỗ MDF, Nhà máy may Hanosimex, Tenergy, Nhà máy sữa sạch TH… Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của khu vực ước đạt 112.877 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của ngành Công Thương khu vực Bắc Trung bộ cũng gặp không ít khó khăn: Khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm, nhất là sản phẩm công nghiệp còn thấp. Giá trị sản xuất công nghiệp đang có xu hướng chững lại, chủ yếu chế biến thô sơ, gia công, lắp ráp, chưa bền vững. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có xu hướng tăng lên. Ngoài ra, kênh lưu thông phân phối, tiêu thụ hàng hóa tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi mặc dù đã có sự quan tâm nhưng vẫn còn yếu…

Trước thực tế này, tại hội nghị, đại diện ngành Công Thương 6 tỉnh đã có những kiến nghị xác đáng, đồng thời khẳng định sẽ chủ động liên kết, tạo sức mạnh để cùng phát triển.

Ông Lê Quảng Vĩnh - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị - đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan sớm hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 1 và trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020; sớm phê duyệt đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh cho rằng, trong công tác dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống thiên tai, Bộ Công Thương cần chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu tổ chức dự trữ tại các tỉnh miền Trung, dễ dàng điều động nguồn hàng cứu trợ khi thiên tai xảy ra.

Một số đại biểu khác mong muốn Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đặc thù, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp tại các địa phương, đặc biệt là địa phương đang gặp nhiều khó khăn; đầu tư vùng nguyên liệu tập trung, phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, đẩy mạnh hoạt động xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm…

Khu vực Bắc Trung bộ có vị trí thuận lợi trong việc giao thương với các nước như Lào, Thái Lan, Myanmar và các nước trong tiểu vùng sông Mekong mở rộng qua trục Hành lang kinh tế Đông - Tây. Khu vực này cũng có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy, hải sản…

Tin liên quan