Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống giặc ngoại xâm, với các phong trào thi đua: “Vững tay búa, chắc tay súng”, “Vải không thiếu một phân, quân không thiếu một người”, “Giữ dòng điện như giữ mạch máu”, “Không sợ thiếu, chỉ sợ phân phối không công bằng”... cán bộ, công nhân viên ngành công thương Việt Nam nói chung và ngành công thương Yên Bái nói riêng vừa dũng cảm chiến đấu vừa hăng hái lao động, sản xuất, hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chính là xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam.
Sau gần 30 năm đổi mới, ngành công thương đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng. Đặc biệt, trong giai đoạn 2010-2015, kinh tế Việt Nam nói chung, kinh tế tỉnh Yên Bái nói riêng tiếp tục đối mặt với những khó khăn thách thức lớn. Trong đó, sản xuất công nghiệp chịu tác động mạnh do nguyên, nhiên liệu, vật tư đầu vào đều tăng; lãi suất ngân hàng đã giảm song việc tiếp cận các nguồn vốn vay cho đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; thị trường tiêu thụ các sản phẩm bấp bênh, hàng tồn kho lớn....
Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của tỉnh và của ngành công thương, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Kết thúc năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 7.067,3 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân 4 năm đạt 11,85%. Thương mại, xuất khẩu có sự tăng trưởng khá, thị trường ổn định, chất lượng thương mại được nâng lên. Theo đó, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ năm 2014 đạt 10.417,2 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014-2015 là 20,5%.
Hoạt động xuất khẩu có sự tăng trưởng nhanh. Ngoài những mặt hàng xuất khẩu truyền thống như chè, quế, đũa gỗ, sứ biến áp... đã có một số sản phẩm khác có kim ngạch xuất khẩu cao, như tinh bột sắn, đá blook, ván ghép thanh... Các đơn vị xuất khẩu đã tập trung đầu tư nâng cấp, đổi mới máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất theo công nghệ tiên tiến, hiện đại, đã cải thiện đáng kể về mẫu mã cũng như chất lượng sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu. Đến nay, các doanh nghiệp tỉnh Yên Bái đã xuất khẩu hàng hóa tới 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng đạt được những kết quả khả quan. Đến nay, 100% số xã, thị trấn, 1.438 thôn, bản, 93,1% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Về tiêu chí chợ nông thôn mới (tiêu chí 7 Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới), đến nay đã đầu tư 83 chợ thuộc 79 xã, trong đó 71 chợ bán kiên cố và 12 chợ tạm. Ngoài ra, việc triển khai các dự án trọng điểm đã tạo nên diện mạo mới cho ngành công nghiệp của tỉnh.
Một số dự án hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất như: Dự án thủy điện Văn Chấn công suất 57MW, Nhà máy tuyển quặng sắt của Công ty TNHH một thành viên - phát triển số 1 Hải Dương, một số dự án sản xuất tinh dầu quế... Trong đó, nhiều dự án quy mô khá đã được tỉnh chứng nhận đầu tư: sản xuất phân bón từ rác thải Nam Thành, tuyển Graphít công suất 40.000 tấn/năm, gạch không nung 195 triệu viên/năm, sản xuất chì thỏi 40.000 tấn/năm...
Trong đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp, đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết cho 13 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất quy hoạch 366,04ha, trong đó 9 cụm đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích là 269,8ha và tổng số vốn đầu tư hạ tầng 367 tỷ đồng, đã thu hút được 46 dự án đăng ký đầu tư với tổng diện tích đất các dự án đăng ký thuê là 120,3ha và tổng vốn đăng ký là 1.202 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã phê duyệt 5 khu công nghiệp với tổng diện tích là 794ha, đến nay có 25 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7.751,16 tỷ đồng, trong đó có 24 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 6.708,82 tỷ đồng, 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 1.042,34 tỷ đồng.
Trong điều kiện thị trường luôn biến động và tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi hơn nhưng với chức năng của mình, ngành công thương đã làm tốt công tác quản lý thị trường, đấu tranh có hiệu quả với tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi cho những nhà sản xuất chân chính và người tiêu dùng.
64 năm hình thành và phát triển với truyền thống đoàn kết vượt khó khăn, cùng cả nước ngành Công thương Yên Bái sẽ tiếp tục nâng cao trình độ quản lý, đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo nên sức bật mới để đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển theo hướng bền vững góp phần xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.
Theo YBĐT