Bạn đang ở đây

Kinh tế quý I: Nhiều tín hiệu tích cực

31/03/2014 14:57:49

Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT) vừa công bố các chỉ số kinh tế quan trọng trong quý I/2014. Trong đó, có tín hiệu khả quan từ chỉ số GDP tăng so với cùng kỳ 3 năm gần đây; doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013; xuất khẩu cũng vẫn đạt chỉ số tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái...

GDP tăng với cùng kỳ 3 năm gần đây

Tổng cục Thống kê ước tính, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2014 tăng 4,96% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng cùng kỳ của 3 năm trở lại đây (quý I/2013 tăng 4,76%, quý I/2012 tăng 4,75%).

Trong đó, cả 3 khu vực đều đạt mức tăng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37% (quý I/2013 tăng 2,24%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69% (quý I/2013 tăng 4,61%); khu vực dịch vụ tăng 5,95% (quý I/2013 tăng 5,65%).

Trong 3 khu vực này, dịch vụ tiếp tục đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ có mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2013 là: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,61%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,58%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,91%.

 

Chỉ số sử dụng lao động tăng
Quý I/2014: Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 4,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,7%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 3,8% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 6,4%.

Cùng với đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 3 tháng đầu năm tăng 5,2%, cao hơn mức tăng 5% của cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá ở mức 7,3%, cao hơn nhiều mức tăng 5,3% của quý I/2013.

Xét về góc độ sử dụng GDP của quý I năm nay, Tổng cục Thống kê đánh giá: Tiêu dùng cuối cùng tăng 5,06% so với cùng kỳ năm 2013 và đóng góp 4,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong đó tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng 4,92%, cao hơn mức tăng cùng kỳ một số năm gần đây ; tích lũy tài sản tăng 3,24%, đóng góp 0,62 điểm phần trăm; chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,3 điểm phần trăm do xuất siêu. Độ mở của nền kinh tế quý I tăng nhanh trong 5 năm trở lại đây, từ mức 155,6% của quý I/2010 tăng lên 194,3% trong quý I/2014.

Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 3,8%

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2014 ước tính đạt 214,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với quý I/2013 và bằng 28,4% GDP.

Trong đó vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện quý I ước tính đạt 34,4 nghìn tỷ đồng, bằng 19% kế hoạch năm và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2013.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2014 ước tính đạt 157,1 nghìn tỷ đồng, bằng 20,1% dự toán năm. Ở vế ngược lại, tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 184,6 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 28,8 nghìn tỷ đồng, bằng 17,7%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể ước tính đạt 132,1 nghìn tỷ đồng, bằng 18,8%; chi trả nợ và viện trợ 23,7 nghìn tỷ đồng, bằng 19,7%.

Xuất khẩu tăng 14,1%

Ba tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 33,3 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có mức kim ngạch tăng cao như điện thoại các loại và linh kiện đạt; phương tiện vận tải và phụ tùng; giày dép; thủy sản...

Trong quý I, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ.

Kim ngạch nhập khẩu quý I năm nay tăng do đóng góp của một số mặt hàng thuộc nhóm hàng phục vụ gia công lắp ráp hàng xuất khẩu và nhóm hàng nguyên nhiên liệu dùng cho sản xuất.

Tính chung 3 tháng đầu năm xuất siêu đạt 1 tỷ USD, bằng 3% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Xuất siêu vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, 3,9 tỷ USD, với các mặt hàng gia công, lắp ráp luôn chiếm ưu thế như: điện thoại các loại và linh kiện, điện tử, máy tính và linh kiện, hàng dệt may… và dự báo đây vẫn là xu hướng của hoạt động xuất, nhập khẩu trong năm 2014.

4.622 doanh nghiệp trở lại hoạt động

Cũng trong quý I năm nay, số doanh nghiệp khó khăn, ngừng hoạt động, đã quay trở lại hoạt động 4.622 doanh nghiệp, tăng 48,9% so với quý IV/2013.

Trong quý I/2014, cả nước có 18.358 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 97.983 tỷ đồng, tăng 16,9% về số doanh nghiệp và 23,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013.

Tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc đăng ký tạm dừng hoạt động, hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 16.745 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I, những ngành có xu hướng tốt lên như: Hoạt động phục vụ cá nhân; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; sản xuất phân phối điện, nước, gas.

Một số ngành đang có sự tái cơ cấu mạnh mẽ như: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí; thông tin và truyền thông; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; kinh doanh bất động sản…

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê đánh giá: Vẫn còn một số ngành gặp khó khăn so với cùng kỳ năm trước khi có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng thấp trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động tăng cao hơn như dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ, xây dựng...

Với thực trạng “bức tranh” kinh tế quý I như vậy, Tổng cục Thống kê cho rằng, trong những tháng tới, cần bảo đảm phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Hoàn thiện hệ thống ngân hàng theo hướng hoạt động lành mạnh, hiệu quả; tăng cường tính minh bạch, góp phần giải quyết nợ xấu và tăng khả năng thanh khoản. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh./.

Theo VOV