04/04/2014 11:11:22
Triển vọng sáng sủa hơn
Trong báo cáo đánh giá kinh tế quý I-2014, Ủy ban GSTCQG cho rằng: Dự báo những quý tiếp theo, tăng trưởng kinh tế sẽ khá hơn nhờ hiệu ứng các giải pháp hỗ trợ tổng cầu (tăng đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ, giảm lãi suất…). Do vậy, triển vọng đạt mục tiêu 5,8% của năm 2014 trở nên sáng sủa hơn.
Xuất khẩu tiếp tục là động lực cho tăng trưởng. Trong quý I-2014, Việt Nam xuất siêu hơn 1 tỷ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm trước và là mức xuất siêu lớn nhất kể từ năm 2010. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 14,1% và 12,4% (so với mức 23% và 17,9% tương ứng của cùng kỳ năm 2013). Xuất khẩu của Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng đột phá so với các nước trong khu vực ASEAN.
Tình hình doanh nghiệp được cải thiện khi các chỉ tiêu về khả năng trả nợ, đòn bẩy tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh vào cuối năm 2013 đều chuyển biến khá hơn cuối năm 2012.
Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, mặt bằng lãi suất giảm, thu ngân sách có triển vọng khá hơn (tăng so với cùng kỳ).
Ngoài ra, hệ thống ngân hàng chuyển biến khá. Niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước được củng cố; thị trường chứng khoán khởi sắc. Cụ thể thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp ghi nhận những kỷ lục mới kể từ năm 2009 và được xếp vào thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới trong quý I-2014.
Tổng cầu còn chậm cải thiện
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt, trong đó có việc tổng cầu cải thiện chậm. Tiêu dùng chậm cải thiện với doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) trong quý I-2014 tăng 5,1%, không cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ các năm 2013 (tăng 4,5%) và 2012 (tăng 5%).
Đầu tư tư nhân chưa cải thiện nhiều nếu căn cứ vào mức tăng tín dụng âm trong quý I (tính đến ngày 13-3-2014), so với mức tăng 1,17% và 0,22% tương ứng của quý I-2013 và quý I-2012. Trong khi đó, chi đầu tư phát triển quý I-2014 giảm 4,9% so cùng kì năm trước (quý I-2013 giảm 0,3%).
“Tốc độ tăng trưởng kinh tế vì vậy vẫn ở giai đoạn thấp so với tiềm năng của nền kinh tế” - Ủy ban GSTCQG nhận xét.
Mặt khác, động lực tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu (không kể dầu thô) của khu vực này đã tăng 18,9% so cùng kì 2013, so với mức 2,8% của khu vực kinh tế trong nước.
Song song với việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, Ủy ban GSTCQG cho rằng: Cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế, khai thông thị trường tiêu thụ hàng hóa cho sản xuất; hỗ trợ cho nông dân về giá nông sản; giảm lãi suất và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Trên cơ sở lạm phát mục tiêu cả năm, cần chủ động điều tiết giá hàng hóa cơ bản, dịch vụ và tỷ giá cũng như điều tiết tổng cầu của nền kinh tế thông qua phối hợp chính sách tiền tệ - tài khóa một cách thích hợp để hướng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát đã định.
Theo Báo Hải quan