Ông Hạnh cho biết ngày càng nhiều doanh nghiệp chế biến ván sàn gỗ công nghiệp làm từ dăm gỗ hoặc từ cây gỗ ngắn ngày băm nhỏ, và do vậy nhu cầu nguồn nguyên liệu dăm gỗ đang ngày càng lớn. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng châu Âu, Hàn Quốc cũng đang yêu cầu các sản phẩm dăm gỗ, gỗ vụn đóng thành tấm để sử dụng làm chất đốt cho công nghiệp cũng như dân sinh.
“Các đơn hàng này cho lợi nhuận cao trong khi công nghệ chế biến đơn giản. Tuy nhiên nguồn nguyên liệu lại bị mang đi xuất khẩu ồ ạt, khiến giá loại nguyên liệu này trong nước tăng cao”, ông Hạnh nhận xét.
Trước đó, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc điều hành Công ty đồ gỗ Scansia Pacific, tỉnh Bình Dương cho rằng, Chính phủ cần có quy hoạch đối với các cụm khai thác vùng nguyên liệu và chế biến để tận dụng nguyên liệu dăm gỗ, gỗ vụn trong khâu cưa xẻ để sản xuất ván sàn có giá trị cao hơn rất nhiều so với xuất thô nguyên liệu.
Trong khi đó, đại diện các hộ nông dân trồng rừng ở tỉnh Đắc Lắc trong hội nghị trồng rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thứ 6 tuần qua tại TPHCM cho biết hiện nay do thiếu vốn nên họ phải cho khai thác cây gỗ sớm, băm ra để lấy gỗ dăm xuất khẩu thay vì trồng thêm vài năm để lấy gỗ xẻ có giá trị cao hơn gấp nhiều lần. Một tấn gỗ dăm trên thị trường có giá 500.000 đồng, trong khi đó 1 tấn gỗ xẻ cho giá cao gấp 4 lần.
Đại diện Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết đang rà soát lại thực tế xuất khẩu dăm gỗ để có cơ sở đề xuất với Bộ Tài chính.
Theo Báo Kinh tế