05/09/2011 11:13:30
Trong lịch sử, chưa bao giờ Việt Nam lại huy động và sử dụng một hệ thống công cụ, giải pháp có quy mô và tầm cỡ như vừa qua để ổn định và phát triển kinh tế. Đối phó với tác động tiêu cực từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính phủ đã thông qua gói kích cầu 8 tỷ USD (chiếm khoảng 12% GDP) gồm: giảm, giãn thuế; bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp (DN), thực hiện tài trợ lãi suất 4%, tăng đầu tư công... Bên cạnh đó là hàng loạt giải pháp về an sinh xã hội đã và đang được thực hiện như: điều chỉnh lương, bảo hiểm thất nghiệp, tài trợ việc làm. Với việc gia tăng liều lượng gói kích cầu, Chính phủ đã tích cực và quyết tâm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, trong đó gói kích cầu trước hết có hiệu ứng tâm lý tích cực, như một chiếc phao cứu sinh làm gia tăng tức thời lòng tin cho các DN, ngân hàng, nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào trách nhiệm và quyền năng của Nhà nước.
Tuy nhiên, vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế đặt ra hiện nay là song song với quá trình thực hiện gói kích cầu, một số vấn đề "mặt trái của kích cầu" cũng đang dần bộc lộ, đòi hỏi phải tiến hành ngay những biện pháp xử lý, nhằm làm cho việc kích cầu thật sự có hiệu quả. Theo các chuyên gia, những "mặt trái của kích cầu" được biểu hiện ở nguy cơ lạm dụng và sử dụng vốn vay không hiệu quả hoặc sai mục đích. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về khả năng DN sử dụng vốn vay hỗ trợ lãi suất để trả nợ cũ. Hoạt động đảo nợ có thể diễn ra theo nhiều kiểu, nhiều cách và ngân hàng cũng khó kiểm soát được. Ngân hàng thương mại khó bảo đảm DN dùng vốn vay đúng mục đích bởi thiếu thông tin về hoạt động của DN. Bên cạnh đó là mối quan hệ tín dụng phức tạp của DN với các ngân hàng khác.
Chủ trương cấp bù lãi suất hỗ trợ DN đang thực hiện rộng rãi nhưng làm thế nào để đồng vốn hỗ trợ lãi suất được sử dụng đúng mục đích và không hình thành cơ chế "ban lộc, xin - cho" là vấn đề khá nan giải. Chính vì vậy, việc giám sát, quản lý chặt chẽ các ngân hàng và DN trong triển khai, nhất là giám sát số vốn ưu đãi khi đưa ra khỏi ngân hàng được sử dụng như thế nào sẽ có ý nghĩa quyết định thành công. Theo phản ánh của chính một số giám đốc ngân hàng, hiện nay, đã xuất hiện tình trạng một vài DN "thỏa thuận ngầm" với nhau để lập dự án ảo hoặc hợp đồng “ma”, qua mặt cán bộ tín dụng, nhằm vay được lãi suất thấp. Cũng không loại trừ trường hợp cán bộ ngân hàng và DN có thể cấu kết lập dự án "ma" để ăn chia phần lãi suất hỗ trợ.
Những thông tin về "xoay vòng" vốn hỗ trợ lãi suất không phải không có cơ sở và như thế hẳn sẽ có DN tận dụng nguồn vốn này để kiếm lợi nhanh chóng là có thể có. Đó là những DN đủ điều kiện vay vốn nhưng không thực sự khó khăn, họ dùng vốn tự có để triển khai các hợp đồng và dự án. Tuy nhiên, trước nguồn hỗ trợ lãi suất, các DN này vẫn thực hiện vay vốn đúng quy định và nguồn vốn của họ sẽ được gửi vào ngân hàng để lấy lãi hay sử dụng cho những mục đích khác có lãi hơn.
Bám sát nguyên tắc thị trường, giảm thiểu cơ chế xin - cho
Một câu hỏi khác được không ít các chuyên gia kinh tế quan tâm là liệu nguồn vốn kích cầu thời gian qua có chảy vào thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường bất động sản? Thực tế, sau một thời gian triển khai gói kích thích kinh tế thứ nhất, TTCK và thị trường bất động sản đã ấm lên trong hơn hai tháng qua. Chỉ số giá chứng khoán trên sàn TP Hồ Chí Minh đã tăng mạnh; giá trị giao dịch bình quân ngày của cả hai sàn đạt trung bình khoảng 5.000 tỷ đồng trong khoảng thời gian khá dài. Vì sao chứng khoán lại hồi phục nhanh đến như vậy? Phải chăng đã và đang có thêm lượng tiền vốn mới đổ vào? Song nguồn tiền đó có phải từ nguồn kích cầu thì cơ quan chức năng cần phải kiểm tra kỹ lưỡng. Các chuyên gia phân tích: Hai thị trường này mang tính đầu cơ cao, nguồn vốn chảy vào không đúng mục tiêu của chính sách kích cầu có thể gây ra tình trạng "bong bóng" chứng khoán và bất động sản tăng lên. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tái diễn lạm phát.
Khi nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, nhu cầu vay vốn của DN và cá nhân tăng lên, các ngân hàng có thời cơ tăng dư nợ tín dụng. Ngân hàng Nhà nước vừa công bố tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại trong khoảng 25-27% để hạn chế dư nợ tín dụng, song cũng không nên cột chặt các ngân hàng vào con số đó bởi có nhiều DN trước đó đã đầu tư nên buộc phải vay tiếp để đầu tư, không lẽ ngân hàng lại dừng cho vay để chấp hành quy định? Cái chính là cần rà soát, thẩm định hiệu quả các dự án sử dụng gói kích cầu.
Để thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 mà Chính phủ đã đặt ra và được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, các hoạt động quản lý nhà nước cần tiếp tục triển khai "kích cầu" có trọng tâm, trọng điểm, đề cao yêu cầu hiệu quả và bám sát hơn các nguyên tắc thị trường, giảm thiểu cơ chế xin - cho trong hoạt động kích cầu. Trong đó cần phải giám sát chặt chẽ để hạn chế "mặt trái của kích cầu" để nguồn vốn hỗ trợ đi vào đúng địa chỉ.
(Theo HNMO)