- Hấp dẫn đối tượng thụ hưởng
Năm 2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái (trung tâm) đã triển khai 7 đề án, trong đó có 1 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và 6 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất. Các đề án hiện đã vận hành ổn định, bước đầu đem lại doanh thu, lợi nhuận cho đối tượng thụ hưởng. Chương trình khuyến công quốc gia cũng đã phát huy tốt vai trò "vốn mồi" khi khuyến khích được đối tượng thụ hưởng mạnh dạn đầu tư, phát triển, sản xuất theo chiều sâu, dần hướng đến những giá trị bền vững.
Đơn cử, trung tâm đã hỗ trợ 350 triệu đồng cho hộ kinh doanh Phạm Đăng Khoa thực hiện "Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất ván ép". Do sử dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm ván ép có ưu thế nổi trội về chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Mô hình sau khi đi vào sản xuất ổn định dự kiến đạt 3.000 m2 sản phẩm/năm, doanh thu đạt khoảng 12 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 11 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định. Mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các cơ sở sản xuất gỗ ván ép khác.
Tương tự, trung tâm cũng đã hỗ trợ Công ty Cổ phần Yên Thành triển khai Đề án "Ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất gỗ ván ép". Theo đại diện đơn vị thụ hưởng, máy ép được hỗ trợ đầu tư thuộc thế hệ mới với nhiều cải tiến về công nghệ, kết cấu và đặc biệt máy được thiết kế với cơ chế điều khiển tự động nên có nhiều ưu điểm vượt trội như: Năng suất tăng từ 10m3/ngày lên 20m3/ngày, giảm thao tác cho công nhân, hoạt động ổn định; tiết kiệm được đáng kể chi phí nhân công; tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Tiếp tục phát huy
Với những kết quả đã đạt được, năm 2017, Yên Bái tiếp tục được giao 1,3 tỷ đồng kinh phí khuyến công quốc gia. Nội dung chủ yếu vẫn tập trung hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.
Với phương châm "tiến độ, chất lượng, hiệu quả" ngay từ khi được phê duyệt, trung tâm đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị thụ hưởng để triển khai thực hiện. Trung tâm xây dựng những giải pháp trọng tâm như: Bám sát các nội dung chương trình để mở rộng hoạt động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách khuyến công; phối hợp chặt chẽ với các phòng Kinh tế/Kinh tế hạ tầng các huyện, thị, thành phố và các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trong việc đăng ký, xây dựng, triển khai thực hiện và quản lý đề án khi đi vào hoạt động; theo sát đối tượng thụ hưởng nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm.
Bên cạnh đó, trung tâm cũng bố trí nhân lực thực hiện tốt kế hoạch khuyến công địa phương, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dịch vụ tư vấn. Với các nội dung này, trung tâm tập trung thực hiện tốt 3 lĩnh vực tư vấn chủ chốt về điện, mỏ khoáng sản xây dựng dân dụng và công nghiệp; chú trọng công tác khảo sát để xây dựng kế hoạch một cách sát thực, có tính khả thi cao, hướng vào những nội dung có thế mạnh của tỉnh.
Ngay sau khi được phân bổ kinh phí năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã nhanh chóng phối hợp với đối tượng thụ hưởng triển khai thực hiện nhằm hoàn thành kế hoạch đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả. |