Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp đồng nhập khẩu hàng hóa từ doanh nghiệp Thái Lan theo hình thức thanh toán T/T, đặt cọc trước 30% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng, chuyển trả tiền đặt cọc, doanh nghiệp Việt Nam không nhận được hàng hóa như đã thỏa thuận và không thể liên hệ được với doanh nghiệp Thái Lan để lấy lại tiền đặt cọc.
Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan đã kiểm tra các thông tin về đối tác Thái Lan do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp và xác định tất cả các thông tin về doanh nghiệp đều giả mạo với địa chỉ doanh nghiệp ở các tỉnh xa xôi của Thái Lan, như tỉnh Samut Prakan, Sakon Nakhon... Đồng thời, tên và tài khoản mà đối tác đề nghị để chuyển tiền đặt cọc cũng không trùng với nội dung ghi trên hợp đồng nhưng vì tin tưởng nên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chuyển tiền.
Các khiếu nại này đặc biệt phổ biến liên quan với các mặt hàng như văn phòng phẩm, giấy Double A của một số công ty của Thái Lan đang có thị trường tốt ở Việt Nam. Giá trị chuyển tiền đặt cọc thường trong khoảng 2.000-3.000 USD.
Vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam khi tìm kiếm bạn hàng Thái Lan trên các trang mạng trực tuyến cần thận trọng tìm hiểu, kiểm tra tư cách pháp nhân của đối tác (đề nghị gửi giấy đăng ký kinh doanh, nhờ các cá nhân/cơ quan liên quan tại Thái Lan tìm hiểu) và chọn các phương thức thanh toán bảo đảm an toàn. Trong trường hợp thấy có nghi vấn về giao dịch, doanh nghiệp Việt Nam có thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan (email: th@moit.gov.vn hoặc điện thoại +66.26508454) để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Theo Báo Công thương