Bạn đang ở đây

Khơi thông dòng chảy xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản

05/05/2015 09:59:59

Nhiều rào cản

Theo bà Dương Phương Thảo – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Trong 4 tháng đầu năm 2015, tình hình xuất khẩu của nước ta gặp nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm, thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm lớn là thủy sản, gạo, cà phê… Trong đó giảm mạnh nhất là cà phê với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 986 triệu USD, giảm 38,3% so với cùng kỳ; mặt hàng thủy sản ước đạt 1,9 tỷ USD giảm 15% so với cùng kỳ…

Lý giải lý do sụt giảm, bà Dương Phương Thảo cho rằng do nguồn cung các mặt hàng cùng loại trên thế giới khá dồi dào, điển hình là mặt hàng gạo đang phải chịu cạnh tranh từ Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan trong khi mặt hàng tôm cũng chịu sức ép cạnh tranh từ Ấn Độ và Thái Lan. Bên cạnh đó còn nhiều nguyên nhân khác như: diễn biến tỷ giá USD tăng mạnh so với đồng tiền khác như Yên (Nhật) Euro… nên các nhà nhập khẩu thủy sản gặp khó trong việc đàm phán giá.

Ngoài ra, xu hướng bảo hộ của các nước nhập khẩu gia tăng cụ thể là các rào cản thương mại và kỹ thuật, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp với hàng nông lâm sản diễn ra ngày càng phức tạp. Điển hình là việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với tôm và cá tra phi le đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, hoạt động xúc tiến thương mại được xem là giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường. Tuy nhiên, kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Hoài Nam  - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam phản ánh, hoạt động xúc tiến thương mại đối với mặt hàng thủy sản ngày càng co hẹp trong khi các nước cạnh trạnh luôn thay đổi chiến lược xúc tiến thương mại và đầu tư vào hoạt động xúc tiến thương mại ngày càng lớn. “Chúng ta cần đầu tư nguồn lực kinh phí cho hoạt động xúc tiến lớn hơn, tuy nhiên cần quản lý dòng tiền cho hoạt động này một cánh hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải để ít nhất không bị lép vế trước đối thủ cạnh tranh” - ông Nam kiến nghị.

Chung tay tháo gỡ khó khăn

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh, vấn đề xuất khẩu trong 4 tháng qua có diễn biến bất thường không đạt mục tiêu đề ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tuy nhiên là nguyên nhân nào thì các bộ, ngành, hiệp hội, ngành hàng… phải tìm hiểu để đưa ra các biện pháp, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững, đảm bảo lưu thông hàng hóa cho nông dân và doanh nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu thủy sản, ông Nam kiến nghị bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cần tăng cường hơn nữa vai trò và sự tương tác của các tham tán thương mại tại các nước đối với hiệp hội, qua đó giúp hiệp hội cập nhật thông tin cũng như việc thay đổi chính sách của nước nhập khẩu được nhanh hơn, tránh bị động gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét ngưỡng lãi suất ngắn hạn hiện nay vẫn ở mức cao (7,5%) trong khi đó nhiều nước như Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador… thả nổi đồng tiền hơn khiến sản phẩm của các nước này có giá thành thấp hơn, cạnh tranh tốt hơn.

Ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cũng cho rằng cần phải giảm các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục kiểm dịch khi các nước nhập khẩu không yêu cầu để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần xem xét giảm thuế đối với các mặt hàng để tăng năng lực cạnh tranh. Ông Võ Thành Đô  - Phó Cục trưởng Cục chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đề xuất: Cần nhanh chóng triển khai thực hiện việc bỏ thuế VAT 5% thuế lúa gạo bán lẻ, qua đó giúp doanh nghiệp giảm giá thành để để tăng cường xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và hiệp hội, Thứ trường Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ ban hành hoặc đề xuất Chính phủ ban hành Chỉ thị về Tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm sản, thủy sản. “ Bộ Công Thương cũng sẽ chỉ đạo hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho doanh nghiệp, đồng thời thống nhất cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng” – Thứ trưởng khẳng định.

Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp chặt chẽ với hiệp hội, doanh nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ để đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng này trong những tháng còn lại của năm 2015 và những năm tiếp theo như các giải pháp về quy hoạch, phát triển sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm; các giải pháp về thông tin, xúc tiến thương mại, tận dụng cơ hội thị trường; các giải pháp liên quan tới đàm phán, mở rộng và tháo gỡ rào cản thị trường.

Theo Báo Công Thương