Theo các chuyên gia, Luật Khoáng sản đã được ban hành từ năm 2010 với nhiều quy định nhằm tăng cường tính minh bạch nhưng thực tế triển khai vẫn chưa được như kỳ vọng. Thứ nhất, liên quan đến cấp phép, Luật Khoáng sản 2010 quy định thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng lại không quy định rõ các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp (DN) qua đấu giá, khiến việc lựa chọn nhiều khi không đạt được mục tiêu là DN có đủ năng lực thực hiện. Ngoài ra, quy định hiện nay cũng không yêu cầu công khai quá trình cấp phép từ thông tin DN đăng ký cấp phép cho đến DN được lựa chọn cấp phép, nên mức độ minh bạch trong quá trình cấp phép rất hạn chế và thiếu tính cạnh tranh. Nhiều DN đã phải trả nhiều chi phí không chính thức để có được giấy phép khai thác. Ngay cả khi các quy định đấu giá được kỳ vọng sẽ được áp dụng đại trà để giảm thiểu cơ chế “xin - cho”, nhưng cho tới nay, số trường hợp thực hiện đấu giá vẫn là con số khá khiêm tốn.
Ông Nguyễn Tiến Chỉnh - Hội Khoa học công nghệ mỏ Việt Nam - chia sẻ, về thực trạng đấu giá quyền khai thác tài nguyên khoáng sản, ở cấp địa phương đến tháng 6/2016 có 7/52 tỉnh có kế hoạch triển khai đấu giá với gần 70 điểm và mỏ với tổng giá trị khoảng 39 tỷ đồng, số liệu các mỏ đấu giá thành công chưa thấy cập nhật. Ở cấp trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường duyệt kế hoạch đấu giá nhưng chưa triển khai được.
Liên quan đến hoạt động quản lý thu, nguồn thu từ lĩnh vực khoáng sản thường được đánh giá là chưa tương xứng với quy mô khai thác. Số liệu thống kê của Bộ Tài Chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí, trong giai đoạn 2011-2013 chỉ đạt 0,9-1,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Nhiều địa phương phản ánh rằng số thu thuế tài nguyên thậm chí không đủ cho chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản. Cách thức quản lý thu thuế, phí dựa trên giá bán và sản lượng được khai báo bởi DN cũng đưa ra nhiều vấn đề tranh cãi.
Năm 2013, Viện Quản trị tài Nguyên thiên nhiên (Natural Resource Governance Institute) đã đánh giá Việt Nam chỉ đứng thứ 41/58 quốc gia và xếp hạng là ‘yếu’ trong các đánh giá về mức độ minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng. Đặc biệt, Việt Nam còn được đánh giá là ‘thất bại’ trong các khía cạnh liên quan đến ‘báo cáo và thực thi pháp luật’ với 20 chỉ số liên quan về minh bạch, công bố thông tin về báo cáo hiện trạng hoạt động, bên cạnh các khía cạnh khác về thể chế, pháp luật, các biện pháp đảm bảo an toàn xã hội, kiểm soát chất lượng và bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Minh Đức - thành viên Liên minh Khoáng sản - cho biết, qua phát phiếu thăm dò, lấy ý kiến từ các DN cho thấy, DN khoáng sản có kết quả kinh doanh không tốt nhưng luôn có dự định mở rộng sản xuất; chi phí không chính thức của các DN khoáng sản luôn cao hơn từ 2% trở lên so với các DN khác. Kết quả điều tra cũng cho thấy, ngành khoáng sản cũng bị thanh tra môi trường cao hơn, với tỷ lệ hơn 61% so với các ngành khác. Mặc dù các DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản bị cho là gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, song kết quả khảo sát thăm dò ý kiến cũng cho thấy, DN khoáng sản cũng bị tổn hại, ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường đem lại…
Tại hội nghị, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến nghị để thúc đẩy minh bạch, quản trị tốt hơn và đảm bảo hệ thống thu - chi tài chính minh bạch và bền vững trong lĩnh vực khoáng sản. Theo ông Nguyễn Tiến Chỉnh, cần hoàn thiện chính sách tài chính (thuế, phí) theo hướng ưu tiên khai thác tận thu tối đa tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường và hải quan. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách thuế tài nguyên như sau: Xem xét không thu chi phí cấp quyền khai thác mỏ mà gộp vào thuế tài nguyên với mức thuế suất phù hợp theo cơ chế thị trường và giá trị tô mỏ; Đấu thầu khai thác “mua mỏ” là đấu giá nộp thuế tài nguyên theo giá trị tô mỏ “chênh lệch tô mỏ của khoáng sản cá biệt” đảm bảo lợi ích nhà nước, DN và cư dân với giá sàn là mức thuế tài nguyên của nhà nước và mức nộp trước khi cấp phép; Căn cứ tính thuế theo sản lượng khai thác hay tính theo trữ lượng có thể khai thác đã phê duyệt trong dự án đầu tư; theo dõi, giám sát việc thực hiện. Miễn giảm thuế tài nguyên phù hợp cho phần trữ lượng khai thác tăng thêm: Nếu là trữ lượng mới thì áp dụng mức thuế suất như bình thường; Khai thác tận thu thêm thì áp dụng chế độ miễn giảm theo chi phí biên; Điều chỉnh thuế suất theo cơ chế thị trường (theo mức giá khoáng sản)…
Theo Báo Công thương