10/09/2011 15:25:09
Cùng những khó khăn chung do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới như thị trường thu hẹp, tỷ giá biến động, lãi suất tăng cao…, sản xuất công nghiệp của Yên Bái còn chịu thêm khó khăn do hạn hán, thiếu điện. Nhiều ngành nghề, doanh nghiệp có giá trị sản lượng thấp, sản xuất cầm chừng, tiêu thụ khó khăn (như giấy, tinh bột sắn…) nhưng kết thúc năm 2010, sản xuất công nghiệp của Yên Bái vẫn đạt được được những thành tựu quan trọng với tốc độ tăng trưởng 21%, giá trị sản xuất đạt trên 2.900 tỷ đồng, hàng vạn lao động có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng chung của toàn tỉnh, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Trong gian khó, nhiều ngành nghề vẫn vững bước vượt qua nhờ chính sách của tỉnh, nhờ sự nỗ lực của doanh nghiệp, doanh nhân… mà trong số đó phải kể đến là lĩnh vực khai thác và chế biến đá - một ngành nghề phát triển, thực sự là thế mạnh của Yên Bái.
Yên Bái được thiên nhiên ban tặng nhiều mỏ đá trắng trữ lượng lớn với chất lượng được đánh giá hàng đầu khu vực Đông Nam Á, là nguồn nguyên liệu quý cho nhiều ngành công nghiệp khác như: nhựa, cao su, hóa mỹ phẩm, vật liệu xây dựng… Nói như ông Ngô Quang Tuấn - Ủy viên Trung ương Tổng hội Khoáng sản và Địa chất Việt Nam thì: “Đá vôi trắng ở Lục Yên, Yên Bình có chất lượng tốt nhất Đông Nam Á, có giá trị rất lớn trong sản xuất công nghiệp”. Khai thác thế mạnh này, Yên Bái đã có những chính sách “trải thảm” phù hợp để thu hút các nhà đầu tư trong tỉnh, trong nước và nước ngoài, nhằm biến tiềm năng thành cơ hội phát triển.
Những nhà máy của liên doanh YBB, Vigracera, Xi măng Yên Bái, Xi măng Vinaconex Yên Bình, Đá cẩm thạch R.K, Mông Sơn… lần lượt thành hình tại các khu công nghiệp với công nghệ mới, thiết bị hiện đại; rồi khu mỏ Mông Sơn, Trực Bình… thức dậy, đá được khoan, đào, đập… theo về nhà máy nghiền ra thành hạt, bột mịn, siêu mịn đóng gói tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu ra thi trường thế giới. Đến nay, Yên Bái đã có hàng chục dự án đang và sẽ tiến hành khai thác, chế biến đá với các dự án quy mô lớn như Liên doanh YBB, Cổ phần VPG, Vigracera, Mông Sơn…, hai nhà máy xi măng với tổng công suất 1,35 triệu tấn/năm của Công ty Xi măng và Khoáng sản Yên Bái và Công ty cổ phần Xi măng Vinaconex Yên Bình.
Nói về năm sản xuất 2010, ông Nguyễn Ngọc Chỉnh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mông Sơn cho biết: “Năm nay hạn nặng, nước hồ Thác Bà rất thấp, gây khó khăn cho việc vận chuyển đá nguyên liệu. Cùng với đó là sự cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ với nhiều nhà máy ở các tỉnh bạn, lợi thế hơn chúng ta về vận chuyển nên giá thành, giá bán thấp hơn”. Tuy nhiên, cũng theo ông Chỉnh thì sản phẩm đá bột, đá hạt của Mông Sơn và các doanh nghiệp khác trong tỉnh có chất lượng tốt và ổn định hơn các doanh nghiệp bên ngoài; các doanh nghiệp đều đã xây dựng được thương hiệu vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế nên mọi khó khăn đều đã vượt qua. Được biết, năm 2010, Công ty Mông Sơn đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch với doanh thu 130 tỷ đồng và 4,2 triệu đô la Mỹ. Công ty liên doanh YBB đã sản xuất được gần 170 nghìn tấn sản phẩm gồm: 135,12 nghìn tấn dạng hạt và 29,52 nghìn tấn dạng bột.
Các nhà máy nghiền bột felspat, thạch anh, sản xuất đá block, đá xẻ… cũng “thuận buồm xuôi gió”. Đặc biệt, hai nhà máy xi măng lớn Yên Bái và Yên Bình gặp những khó khăn trong thị trường tiêu thụ, đặc biệt trong khoảng thời gian gần 2 tháng khi nước hồ Thác Bà xuống thấp đến cốt 46 (những tàu lớn không thể vận chuyển đá nguyên liệu từ Mông Sơn về nhà máy) nhưng tất cả đã vượt qua bằng sự chỉ đạo rất quyết liệt của tỉnh, của ngành công thương và sự nỗ lực phấn đấu của bản thân hai doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê, Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đã sản xuất được 256,9 nghìn tấn xi măng, 64,8 nghìn tấn clinker và nghiền được 83 nghìn tấn Cacbonnat Canxi với tổng giá trị sản xuất đạt 254,55 tỷ đồng; Công ty Xi măng Vinaconex Yên Bình đã sản xuất được 710 nghìn tấn xi măng,110 nghìn tấn đá bột, đạt giá trị sản xuất 615 tỷ đồng…. góp phần quan trọng đưa tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 của các nhà máy chế biến đá Yên Bái lên trên 1.000 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh.
Phát huy kết quả đã đạt được trong năm 2010, các doanh nghiệp trên lĩnh vực khai thác và chế biến đá tại Yên Bái lại đang tập trung xây dựng và triển khai những phương án tối ưu nhất cho năm kế hoạch năm 2011 - năm được kỳ vọng sẽ có bước đột phá trong sản xuất công nghiệp địa phương.
Nói như ông Trương Ngọc Hoàn – Phó giám đốc Công ty liên doanh YBB thì “Năm 2011, Yên Bái có thêm nhiều nhà máy, nhiều dây chuyền nghiền đá đi vào vận hành. Với kinh nghiệm trong sản xuất và thương trường, doanh nghiệp nào cũng đề ra mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2011 cho dù biết khó khăn đối mặt sẽ không ít. Mục tiêu đề ra sẽ hoàn thành bởi ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp là sự chỉ đạo, động viên giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tất cả vì mục tiêu phát triển bền vững”. Chúng ta lại có thêm nhiều niềm hy vọng vì tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Bắc tổ chức ngày 10/12 vừa qua, Yên Bái lại có thêm những dự án công nghiệp lớn được ký kết bởi các nhà đầu tư!
Theo YBĐT