Đây không chỉ là hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn với hàng ngàn chủng loại sản phẩm hàng hóa và đặc sản các miền mà còn là một lễ hội văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với các hoạt động văn hóa, tâm linh mỗi độ Tết đến xuân về do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch , UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, Công ty CP Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam (VEFAC) tổ chức.
Lế cắt băng khai mạc hội chợ |
Hội chợ có gần 1.000 gian hàng tiêu chuẩn với tổng diện tích khoảng 12.000m2, sử dụng các nhà trưng bày tầng 1, nhà A1, nhà D và toàn bộ khu vực ngoài trời.
Các đại diện bộ ngành tham quan các gian hàng |
Trong buổi khai mạc, mặc dù mưa lạnh, nhưng hội chợ vẫn có khá đông người tiêu dùng Thủ đô đến tham quan, mua sắm. Theo đánh giá của nhiều khách hàng, năm nay hội chợ gây ấn tượng không chỉ về số lượng gian hàng mà còn ở cách trang trí độc đáo, sang trọng, bắt mắt. Đặc biệt các sản phẩm thương hiệu Việt ngoài chất lượng đều chú trọng tập trung đầu tư cải thiện mẫu mã, hình thức gây sự tò mò, thích thú đối với hầu hết khách hàng.
Tuy nhiên, hút khách nhất tại hội chợ trong buổi khai mạc có lẽ là các gian hàng may mặc, bởi đây đang là đỉnh điểm của giá rét nhu cầu chống lạnh của người dân tăng cao, kèm theo đó các sản phẩm lại có mức giá hấp dẫn, nhiều ưu đãi, đồng giá, hoặc giảm giá sâu từ 50-70% như các sản phẩm: tất, áo giữ nhiệt, áo phao, giày dép...
Hàng may mặc bán chạy vì giá bán ưu đãi |
Các gian hàng sản phẩm địa phương và các sản phẩm vùng, miền cũng được nhiều người tiêu dùng đặc biệt quan tâm, như: Các loại trái cây Nam bộ xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Cao Lãnh (Đồng Tháp), bưởi da xanh Tây Ninh, bưởi Năm Roi, kẹo dừa Bến Tre, măng cụt, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, vú sữa…, Thủy hải sản như: Nước mắm Phú Quốc, nước mắm Nha Trang, nước mắm Phan Thiết… Hay các sản phẩm nổi tiếng từ các địa phương như: hành, tỏi (Lý Sơn), nem chua, nem nướng, mắm nem (Thanh Hóa), chè Tân Cương (Thái Nguyên), cam sành Hàm Yên, gạo nương (Tuyên Quang), gạo đồi, chè tuyết, rượu sâu chít, rượu táo mèo, mật ong (Điện Biên), mộc nhĩ, nấm hương, măng chua, miến dong (Cao Bằng), bánh đạu xanh, bánh gai (Hải Dương), chả, giò, bánh chưng Ước Lễ... Cùng với hàng trăm chủng loại lương thực, thực phẩm, ẩm thực ba miền phục vụ nhu cầu thưởng thức ngay tại hội chợ.
Sản phẩm địa phương thu hút khách hàng |
Khu gian hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm làng nghề cũng rất phong phú, tinh tế và độc đáo cùng các vật phẩm thờ cúng như: Đồ gỗ, đồ sành sứ, mây tre, trầm hương, nến cùng hoa cây cảnh và các sản phẩm phong thủy… dự đoán sẽ bán chạy bởi đáp ứng nhu cầu trưng bày ngày Tết và tâm linh của nhân dân.
Không thể thiếu vắng tại hội chợ chính là không gian hoa tươi, năm nay nơi hội tụ nhiều loại hoa như: Hoàng Lan, địa lan, tuy-lip, tầm xuân và nhiều màu sắc các loại hoa Tết. Ngoài ra, tiếp tục duy trì nét độc đáo và hấp dẫn của hội chợ là sự góp mặt của sản vật Tiến Vua tại khu vực trung tâm ngoài trời, quy tụ những món quà đặc biệt của thiên nhiên ban tặng: gà Hồ, gà Đông Tảo, gà chín cựa Tân Sơn, cam xoăn Lai Vung, quýt hồng Lai Vung...
Sản vật tiến Vua |
Trong các ngày diễn ra hội chợ, Ban Tổ chức còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật vô cùng hấp dẫn như: Múa rối của Nhà hát Múa rối Thăng Long, lễ rước Thành Hoàng làng Giảng Võ, các trò chơi dân gian truyền thống...
Nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn sẽ diễn ra trong xuyên suốt hội chợ |
Được biết, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo Ban tổ chức sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành chức năng của thành phố như: Sở Y tế, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương), Chi Cục quản lý tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng (Sở Khoa học công nghệ) thường xuyên giám sát, kiểm tra nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trưng bày, buôn bán tại hội chợ, đặc biệt là công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hội chợ diễn ra từ ngày 27/1 đến 5/2/2016 (tức 18 – 27 tháng Chạp năm Ất Mùi).
Theo Báo Công Thương