Hội chợ thu hút sự tham gia của 150 doanh nghiệp, tổ chức của tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh, thành phố trên cả nước và các doanh nghiệp Trung Quốc với quy mô 350 gian hàng, giới thiệu các mặt hàng phong phú như hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề, nông lâm thủy sản, lương thực, thực phẩm chế biến, sản phẩm cơ khí, máy móc phục vụ nông nghiệp, nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng, trang trí nội, ngoại thất, điện, điện tử, may mặc, hàng tiêu dùng, v.v…
Lạng Sơn có vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đồng thời là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường Quảng Tây và miền Nam Trung Quốc trong Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (CAFTA), có hệ thống giao thông đường sắt và đường bộ rất thuận tiện nối liền với các trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, có 2 cửa khẩu Quốc tế, 2 cửa khẩu chính và nhiều cửa khẩu phụ, đã tạo cho Lạng Sơn có một thị trường sôi động phong phú, đã và đang trở thành một thị trường trung chuyển hàng hoá lớn của cả nước và các nước ASEAN sang thị trường Trung Quốc và ngược lại.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Hội chợ Thương mại quốc tế Việt – Trung (Lạng Sơn 2013) là hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, góp phần quảng bá các sản phẩm, thương hiệu, cũng như tiềm năng, thế mạnh kinh tế của các địa phương hai nước, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác, phát triển kinh tế, đầu tư, du lịch và dịch vụ giữa Việt Nam và Trung Quốc, góp phần tăng cường giao lưu thương mại và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của hai quốc gia hướng tới mục tiêu kim ngạch hai chiều đạt 60 tỷ đôla vào năm 2015 và 100 tỷ đôla vào năm 2017 mà chính phủ hai nước đã thống nhất trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường vào tháng 10 vừa qua.
Hội chợ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cả hai nước láng giềng Việt Nam - Trung Quốc, tạo điều kiện cho hàng hóa sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường láng giềng, phát triển thị trường phía nam Trung Quốc; thúc đẩy quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới và doanh nghiệp hai nước; đáp ứng mong muốn của các doanh nghiệp các tỉnh biên giới phía Bắc nói riêng và các tỉnh, thành phố cả nước nói chung trong chiến lược phát triển thị trường tiềm năng phía Nam Trung Quốc.
Nguồn: Moit.gov.vn