Bạn đang ở đây

Kết quả phục vụ tết Nguyên Đán Quý Tỵ năm 2013

26/03/2013 12:14:08

Thực hiện Chỉ thị 16/CT-BCT ngày 05/10/2012 của Bộ Công thương về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2012 và tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013; Chỉ thị 01/CT-UBND ngày 10/01/2013 của Ủy Ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc tổ chức tết Nguyên Đán Quý Tỵ năm 2013;  Công văn chỉ đạo số 171/UBND-TH ngày 30/01/2013 của Ủy Ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc báo cáo tình hình Tết Quý Tỵ năm 2013.

Thị trường hàng hoá và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước và sau tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013 trên địa bàn tỉnh ổn định, từ ngày 23 tháng chạp hàng hóa đã được bầy bán nhiều sức mua tăng cao. Dạo qua thị trường từ thành thị đến nông thôn, từ các điểm kinh doanh ở siêu thị và qua hệ thống chợ hàng hóa được bầy bán nhiều cho nhu cầu của thị trường. Đến thời điểm từ ngày 27 đến ngày 29 âm lịch không khí mua sắm Tết càng nhộn nhịp hơn do thời điểm này cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ tết nên lượng hàng hóa tiêu thụ tăng cao gấp 2 lần hơn so với nhưng ngày trước đó. Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu của thị trường thì trước đó các nhà phân phối đã chủ động khảo sát nhu cầu của thị trường và xây dựng kế hoạch phục vụ tết như: Chuẩn bị đủ lượng hàng hóa có chất lượng có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Cho đến ngày 03/02 (tức ngày 23 tháng chạp) theo báo cáo của các doanh nghiệp thì lượng hàng hóa đã đáp ứng đầy đủ cho thị trường. Đến gần sát tết Nguyên đán giá có biến động tăng ở một số nhóm hàng như: thực phẩm tươi sống tăng 20%; công nghệ phẩm tăng 5%-15% so với ngày trước đó, tuy nhiên lượng hàng hóa hàng hoá được các nhà phân phối lớn trên địa bàn tỉnh cung cấp kịp thời và đủ cho thị trường, không có hiện tượng thiếu hàng, găm hàng chờ lên giá. Cho đến thời điểm 13/02 (tức mùng 4 tết) các hoạt động kinh doanh hàng công nghệ phẩm (bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá...) cùng một số điểm bán hoa tươi và hoa quả đã hoạt động trở lại phục vụ nhu cầu đi lễ chùa đầu năm của người dân.

Chi cục quản lý thị trường chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, địa phương và các ngành chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại; đo lường chất lượng, xuất xứ hàng hoá v.v.. nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường những ngày giáp tết và sau tết, xử lý nghiêm, kịp thời việc lưu thông và xử dụng pháo nổ các loại; chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các mặt hàng cháy nổ, các hàng hoá có tính chất bạo lực và các hành vi nâng giá trục lợi và gia súc, gia cầm chưa được kiểm dịch hoặc chứng nhận lưu thông. Niêm yết giá trong kinh doanh đối với các mặt hàng Nhà nước quy định, chống đầu cơ nâng giá. Đặc biệt quan tâm tới việc kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng thực phẩm, công nghệ thực phẩm qua chế biến, mặt hàng tươi sống và tại các địa bàn trọng điểm: thành phố, trung tâm huyện, trung tâm cụm xã và chợ nông thôn đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và các nhà sản xuất, đảm bảo mục tiêu: Giữ ổn định giá cả, thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, nhằm ngăn chặn và xử lý hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, chấn chỉnh việc thực hiện quy định về giá và bán theo giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ; phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác nắm tình hình thị trường tết, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch đi khảo sát nắm tình hình thị trường thời điểm sát tết đến các tuyến chợ nông thôn, vùng cao và địa bàn huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh để khảo sát đánh giá giá cả, nguồn hàng, chất lượng các loại hàng hoá và sẵn sàng đối phó với những biến động bất thường của thị trường tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013 trong đó trọng tâm là mặt hàng Lương thực - thực phẩm, hàng công nghệ phẩm qua đó nhằm đánh giá chất lượng công tác tổ chức phân phối bán hàng của các doanh nghiệp, cơ sở bán hàng, tình hình mua sắm của nhân dân, sức mua trên thị trường. Thời điểm sát tết tình hình thị trên địa bàn tỉnh Yên Bái hàng hóa nguồn cung ổn định, giá cả các mặt hàng như lương thưc, thực phẩm, hàng công nghệ phẩm có biến động tăng giá từ 5-15% so với trước ngày 23 tháng chạp như hàng lương thực- thực phẩm, công nghệ phẩm. Tuy nhiên cũng có nhóm hàng đồng loạt giảm giá như hàng quần áo rét giảm 10-20%, nhóm cây cảnh mức giá vừa phải, qua khảo sát tại thị trường thành phố Yên Bái và huyện lân cận hàng hóa có mức giá cụ thể: Nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm: gạo tẻ ngon Sén Cù có giá 22.000 đồng/kg; gạo nếp Tú lệ 32.000đồng/kg; gạo tẻ thường 15.000 đồng/kg; miến đao 50.000/kg; Thịt bò ngon loại I có giá 250.000 đồng/kg; thịt lợn hơi giá 45.000đồng/kg, thịt lợn thăn có giá 120.000 đồng/kg; thịt gà hơi giá 150.000-180.000 đồng/kg, gà mổ sẵn có giá 190.000-200.000 đồng/kg; Nhóm hàng công nghệ phẩm: Bia Hà Nội lon có thưởng 330ml 240.000/thùng; Bia Heniken 330ml 380.000/thùng; rượu vang Vĩnh Tiến loại 750ml chai thường 63.000đ/chai; rượu vang Vĩnh Tiến 750ml chai xuất khẩu 75.000đ/chai; rượu vang Pháp nhập khẩu 3 lít 350.000 đồng/hộp; Nhóm hoa cây cảnh: Đào cành 100.000 - 500.000 đồng/cành; Đào thế 200.000-1.200.000 đồng/cây; Quất cây 200.000-500.000đ/cây; Hoa ly 30.000đ-50.000đồng/cành; Nhóm hàng xăng dầu, chất đốt khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG chai) ổn định: Xăng A95: 24.120 đồng/lít; xăng A92: 23.610đồng/lít; Diezel 0,05%S: 22.280đồng/lít; Chai khí dầu mỏ hóa lỏng tùy thương hiệu loại 12kg/chai: Shell gas 460.000 đ/chai; Total gas 440.000đ/chai; Petrolimex 438.000 đ/chai; Đại Hải; Petronas 430.000 đồng/chai. Các nhóm hàng hoá khác ổn định, không có biến động nhiều về giá. Đây là mức tăng giá ổn định nhất trong tháng tết  mấy năm gần đây. Sau tết ( từ mùng 2 tết âm lịch) cùng một số điểm bán hoa tươi và hoa quả đã hoạt động trở lại phục vụ nhu cầu đi lễ chùa đầu năm của người dân, nhiều điểm chợ đã hoạt động kinh doanh trở lại đặc biệt là các điểm bán thực phẩm, rau, củ quả, thịt cá, giá cả có phần tăng hơn trong tết từ 10-20%, tuy nhiên mức giá giảm dần khi thị trường đi vào ổn định từ mùng 4 tết âm lịch.

Kết quả tiêu thụ hàng hóa Tết của một số doanh nghiệp phân phối kinh doanh hàng công nghệ phẩm lớn như Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hải Phượng, Doanh nghiệp tư nhân Hằng Hiển, DN tư nhân Tuấn Tuyết … đạt trên 40 tỷ đồng và theo báo cáo của các doanh nghiệp nhóm hàng rượu bia tiêu thụ chậm còn lại tồn kho ước đạt 1 tỷ đồng. Công tác kiểm tra thị trường được Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh về xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm. Kết quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm tính từ ngày 15/12/2012 đến ngày 04/02/2013: Số vụ kiểm tra 425 vụ; số vụ xử lý 456 vụ; phạt hành chính 544 triệu đồng; bán hàng tịch thu 409 triệu đồng; trị giá hàng tiêu hủy 183 triệu đồng; Cộng giá trị thực hiện trước, trong tháng tết là 1.137 triệu đồng.

Đánh giá chung tình hình phục vụ thị trường tết Nguyên đán Quý Tỵ trên địa bàn tỉnh ngày giáp tết, giá hàng hóa tuy có chút biến động tăng giá dao động 5% - 15% tuy nhiên không có hiện tượng tư thương găm hàng chờ nên giá, thị trường ổn định, hàng hóa cung cấp đảm bảo phục vụ nhu cầu của thị trường, sức mua của người dân ngày sát tết tăng cao thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng của tỉnh tăng so với tháng trước 1,5%, tăng 2,65% so với tháng 12 năm trước và tăng 7,04% so với cùng kỳ tháng năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tháng 02 ước đạt 763.623 triệu đồng tăng 3,23% so với tháng 01, tăng 16,4% so với cùng kỳ, bằng 17,9% kế hoạch. Trong đó, chỉ số giá nhóm hàng tăng cao như lương thực tăng 2,30%, tăng 3,42% so với tháng 12 năm trước; thực phẩm tăng 2,60%, tăng 4,95% so với tháng 12 năm trước; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,28% và tăng 5,31% so với cùng kỳ; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,90% và tăng 7,29% so với cùng kỳ./.

Nguồn: Phòng QLTM