Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 5/4/2012 của Bộ Công thương về công tác phòng chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai năm 2012 theo phương châm “4 tại chỗ” trong đó trọng tâm là xây dựng phương án, kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, đặc biệt là lương thực và nước uống.
Từ đầu năm đến nay ảnh hưởng của mưa to một số địa bàn trong tỉnh Yên Bái đã bị sạt lở đất thiệt hại đến người và tài sản. Dự báo tình hình thiên tai, bão, lũ năm 2012 còn nhiều diễn biến phức tạp Sở Công thương Yên Bái đã có văn bản hướng dẫn các phòng chuyên môn cấp huyện và chỉ đạo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công thương chuẩn bị phương án phòng chống lụt bão (PCLB) và xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa trong mùa mưa lũ, cụ thể:
Đối với các phòng chuyên môn của Sở
Kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của ngành Công thương. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, đôn đốc, kiểm tra các cơ sở doanh nghiệp và thực hiện các phương án, kế hoạch về công tác phòng, chống lụt, bão năm 2012. Chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh tổ chức khắc phục hậu, quả do lũ, bão gây ra, khôi phục sản xuất và theo dõi sát sao tình hình thiên tai tại các khu vực dễ sảy ra lũ quét, sạt lở đất và bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng ứng phó với thiên tai, lụt bão và thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường trong mùa mưa tại địa phương, xử lý kịp thời có hiệu quả trong việc đối phó với thiên tai.
Kiểm tra đánh giá và đầu tư bổ sung các phương tiện cứu hộ, cứu nạn; rà soát lại toàn bộ hệ thống kho, cửa hàng, nhà xưởng, bến bãi để kịp thời nâng cấp, sửa chữa các hư hỏng, đảm bảo an toàn cho con người, hàng hóa, vật tư, phương tiện máy móc, khi có tình huống thiên tai xảy ra; không xây dựng mới, hoặc có phương án di dời các kho chứa hàng hóa, vật tư có mặt sàn thấp.
Đối với các dự án đang thi công thuộc các lĩnh vực thủy điện, khai thác mỏ v.v. cần đẩy nhanh tiến độ và lưu ý không được để công nhân lao động làm lán nghỉ qua đêm ở gần bờ, lòng sông - suối, hoặc ở lại chân công trường, đảm bảo tuyệt đối về tính mạng; Không để vật tư, máy móc thi công sau ca làm việc bên các bờ sông, suối, hoặc tại các khu vực dễ sảy ra lũ ống, lũ quét.
Đối với các đơn vị Kinh doanh Thương mại
Xây dựng kế hoạch và chủ động dự trữ các mặt hàng thiết yếu; tổ chức phân bố hợp lý xuống các địa bàn, sẵn sàng phục vụ trong mọi điều kiện thời tiết. Đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như gạo, mỳ tôm, nước uống đóng chai. Đến nay, hàng hóa các doanh nghiệp phân phối hiện đang dự trữ giá trị hàng: 7.040 triệu đồng, bao gồm: Mỳ ăn liền: 4.300 thùng mỳ tôm các loại, giá trị 421 triệu đồng; Lương khô: 500 thùng lương khô, giá trị 75 triệu đồng ; Gạo 400 tấn, trị giá 3.300 triệu đồng ; Nước uống đóng chai: 2.500 thùng, trị giá 225 triệu đồng; Các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác: 1 tấn, giá trị 200 triệu đồng; Xăng 50m3, trị giá 1.150 triệu đồng; Dầu diezel: 50m3, trị giá 1.081 triệu đồng; Dầu hỏa: 15m3, giá trị 323 triệu đồng ; Tôn lợp 1.000 tấm, giá trị 70 triệu đồng; Đinh vít: 1 tấn, giá trị 70 triệu đồng; Dây thép: 2ly 5 tấn, giá trị 125 triệu đồng. Trong đó, hàng hóa được phân bổ phòng chống lụt, bão bao gồm xăng dầu theo chỉ đạo của Tổng Công ty xăng dầu Petrolimex và mặt hàng gạo do Công ty Cổ phần Lương thực Yên Bái thường xuyên đảm bảo dự trữ gạo cung ứng cho mùa mưa lũ, phòng chống thiên tai khi xảy ra.
Tuy nhiên, hiện nay kinh phí để các đơn vị kinh doanh thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng chống lụt bão, thiên tai và khi có biến động của thị trường thì chưa có, hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh mới chỉ cấp kinh phí cho Công ty Cổ phần lương thực Yên Bái dự trữ gạo và mặt hàng xăng dầu của Công ty xăng dầu Yên Bái được phân bổ dự trữ theo chỉ đạo của Tổng Công ty xăng dầu Petrolimex. Còn lại các mặt hàng nhu yếu phẩm khác như nước uống đóng chai, lương khô, mỳ ăn liền v.v.. hiện chưa có kinh phí để cấp doanh nghiệp. Như vậy để xoay vòng vốn kinh doanh, nhiều doanh nghiệp không thể thực hiện tồn dự trữ hàng quá lâu trong kho mà phải luân chuyển do đó có khi thiên tai lụt, bão xảy bất chợt ập đến thì hàng trong kho của các doanh nghiệp lại chưa kịp nhập về, không có hàng cung cấp cho người dân kịp thời.
Một khía cạnh khác, do tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ vốn rõ ràng đối với các doanh nghiệp (như cho vay, hay cam kết thanh toán khi lấy hàng trước…) nên việc chỉ đạo doanh nghiệp dự trữ hàng hóa thiết yếu thường không hiệu quả, các doanh nghiệp phải tự bỏ vốn ra để dự trữ thì sẽ thua lỗ trong kinh doanh nên doanh nghiệp thường chỉ tồn hàng hóa cầm chừng.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của trong thời gian tới. Cần được các cấp, các ngành Trung ương và địa phương quan tâm xây dựng kinh phí cấp cho các doanh nghiệp trong tỉnh dự trữ hàng hóa thiết yếu như nước uống đóng chai, mỳ ăn liền, lương khô, lương thực - thực phẩm khác để doanh nghiệp phục vụ công tác PCLB - TKCN được hiệu quả.
Nguồn: QLTM