Trong báo cáo công bố ngày 4/8, IMF nhận định đồng Nhân dân tệ đã đạt tiêu chí về tính phổ biến trong xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. So với lần đánh giá trước đó, việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế đang ngày càng tăng.
Tuy nhiên, theo IMF, vẫn còn nhiều điều kiện khác cần được xem xét. Thể chế tài chính đa phương với 188 nước thành viên này nêu rõ mục tiêu chính của đánh giá lần này là nhằm xác định liệu Nhân dân tệ có là một đồng tiền có thể sử dụng tự do hay không.
Theo IMF, tiêu chí trên được đánh giá qua hoạt động sử dụng và trao đổi tiền tệ thực chất trên thị trường quốc tế chứ không dựa vào việc đồng tiền đó có được thả nổi hay có thể tự do chuyển đổi hay không.
Một quan chức giấu tên của IMF cho biết ban điều hành tổ chức này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, báo cáo của IMF đề xuất trong trường hợp đồng Nhân dân tệ đạt tiêu chuẩn để vào SDR, vẫn giữ nguyên giỏ tiền tệ hiện nay tới ngày 30/9/2016 thay vì chấm dứt hiệu lực vào cuối năm nay nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia sử dụng SDR có thời gian thích ứng. Quyết định về việc gia hạn này dự kiến sẽ được đưa ra trong tháng 8.
Nhân dân tệ hiện là đồng tiền được sử dụng phổ biến thứ 5 trong các thanh toán quốc tế. Trung Quốc đang nỗ lực để đồng nội tệ của mình được sử dụng một cách tự do trên các thị trường tài chính toàn cầu.
Việc đưa Nhân dân tệ vào giỏ dự trữ ngoại tệ của IMF sẽ giúp nâng cao vị thế toàn cầu của Trung Quốc cũng như khuyến khích các ngân hàng trung ương tăng cường dự trữ đồng tiền này.
Lần cuối cùng IMF chỉnh sửa giỏ dự trữ ngoại hối SDR là năm 2000 với việc đưa Euro vào thay thế đồng tiền của Đức và Pháp. Hiện SDR gồm đồng USD, Euro, Yen và bảng Anh.
SDR là loại tiền tệ được IMF tạo ra vào năm 1969, đóng vai trò là một bộ phận trong dự trữ quốc tế của các nước thành viên. SDR được phân bổ cho các nước thành viên theo tỷ lệ góp vốn của các nước này vào thể chế tài chính đa phương này.
Tuy nhiên, nó chỉ là đơn vị quy ước, chỉ được sử dụng để tính toán chứ không thực sự tồn tại trong lưu thông do vậy không thể tiêu SDR như các loại tiền tệ khác. Hình thái tồn tại của SDR là những con số ghi trên tài khoản.
IMF mở cho mỗi nước thành viên một tài khoản để ghi các khoản SDR được phân bổ và để hạch toán các khoản thu chi bằng SDR giữa các ngân hàng trung ương và các nước. Sự ra đời của SDR đã giảm thiểu những hạn chế trong việc sử dụng đồng USD và vàng là công cụ thanh toán duy nhất./.
Theo TTXVN