Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Với tấm lòng thành kính và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 7/1982, Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc Văn Chấn - Nghĩa Lộ đã xây dựng công trình này. Ngày 14/7/1997, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định công nhận Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thị xã Nghĩa Lộ thuộc hệ thống bảo tàng Hồ Chí Minh trong cả nước.
Với khuôn viên rộng hơn 2ha, khu tưởng niệm bao gồm: Một ngôi nhà sàn mộc mạc, xinh xắn được thiết kế phỏng theo nhà sàn của Bác ở thủ đô Hà Nội; một ao cá rộng với vườn cây trái xanh tốt, trĩu quả gợi nhớ hình ảnh thân thương của Bác mỗi khi cho cá ăn, chăm sóc cây cối. Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng, chăm sóc, bảo quản chu đáo đã đáp ứng ước muốn cao cả, song cũng thật bình dị của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây là thường xuyên thăm viếng, tỏ lòng thành kính và biết ơn Bác.
Hàng năm Khu tưởng niệm đón hàng ngàn lượt khách xa gần tới thăm. Đây cũng là nơi cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ thị xã đến cơ sở, cán bộ, đảng viên, nhân dân, lực lượng vũ trang, thiếu niên nhi đồng đến dâng hương tưởng niệm báo công ơn với Bác trong các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn, là nơi tổ chức nhiều hoạt động tổng kết, kết nạp đảng viên, đoàn viên, đội viên mới... Những hoạt động đó đã trở thành một nếp sống mới đẹp đẽ và trang trọng trong đời sống xã hội ở thị xã miền Tây.
Khu di tích lịch sử cách mạng Căng và Đồn Nghĩa Lộ
Khu di tích lịch sử cách mạng Căng và Đồn Nghĩa Lộ được tôn tạo thành điểm du lịch hấp dẫn.
Khi thực dân Pháp xâm lược Yên Bái, chúng đã cho xây một nhà tù (Căng) ở Nghĩa Lộ nhằm giam giữ tù chính trị. Rất nhiều đồng chí lãnh đạo đã bị giam ở đây như Trần Huy Liệu, Vương Thừa Vũ, Trần Đức Sắc, Nguyễn Phúc... Các đồng chí đã biến nhà tù thành trường học, là nơi tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Cũng tại nơi đây ngày 17/3/1945 dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng nhà tù, cuộc bạo động phá Căng của các chiến sỹ cách mạng bị giam cầm đã diễn ra quyết liệt, bị địch đàn áp dã man, 9 đồng chí đã hi sinh. Ngày nay, trong khu di tích phần mộ và đài tưởng niệm với tấm bia ghi danh 9 chiến sỹ cách mạng hi sinh trong cuộc bạo động đã được Nhà nước đầu tư và nhân dân xây dựng lại khang trang hơn.
Khi thực dân Pháp xâm chiếm Nghĩa Lộ, chúng đã cho xây dựng tại đây một hệ thống đồn, bốt dày đặc. Đồn Pú Chạng (Nghĩa Lộ đồi), đồn Nghĩa Lộ (Nghĩa Lộ phố) là một trong những cứ điểm mạnh của thực dân Pháp ở Tây Bắc. Năm 1952, chiến thắng Nghĩa Lộ đã san phẳng phân khu quân sự này, mở thông cánh cửa sang phòng tuyến sông Đà, góp phần vào chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" tại Điện Biên Phủ, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ trên đất nước ta.
Hiện tại, cụm di tích lịch sử cách mạng Căng và Đồn Nghĩa Lộ không chỉ là nơi tưởng niệm mà còn là một địa điểm du lịch thu hút khách đến tìm hiểu truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa của địa phương.
Chợ Mường Lò
Với vị trí là trung tâm giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa của khu vực, các của hàng, cửa hiệu và chợ đã hình thành trên một hệ thống thương mại khá sôi động ở địa phương. Thời kỳ thực dân Pháp cai trị năm 1935, chợ Nghĩa Lộ đã được xây dựng trở thành chợ lớn thứ hai của tỉnh Yên Bái. Sau khi thị xã được tái lập, chợ Mường Lò đã được quy hoạch, đầu tư, xây dựng lại trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh Yên Bái. Hàng hóa ở đây khá phong phú, đa dạng. Bên cạnh những sản phẩm công nghiệp hiện đại còn có rất nhiều nông sản, sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của nhân dân và trao đổi thương mại. Có thể gọi chợ Mường Lò là chợ đầu mối vì đây phần nào đã đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa trong vùng và các khu vực lân cận.
Cùng với tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng mô hình du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa An, xã Nghĩa Lợi và một số vị trí có lợi thế, xây dựng thương hiệu du lịch Mường Lò theo hướng du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái nông nghiệp... liên kết tạo các tour, tuyến du lịch với các xã thuộc huyện phía Tây của tỉnh và các tỉnh lân cận, thị xã Nghĩa Lộ quyết tâm thúc đẩy phát triển thương mại - du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là điểm đến thân thiện, hấp dẫn của du khách thập phương.
Theo YBĐT