Bạn đang ở đây

Hướng đi mới cho đào tạo nghề, tạo việc làm

21/02/2012 11:33:06

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT của Chính phủ, gọi tắt là Đề án 1956, thị xã Nghĩa Lộ đã mở nhiều lớp đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn cho các LĐNT với các ngành nghề khác nhau như: trồng nấm, nuôi trồng thủy sản, điện dân dụng, gò hàn, sửa chữa xe máy, chăn nuôi, thú y, kỹ thuật xây dựng...

Có thể nói, nhu cầu học nghề ở thị xã là rất lớn. Trong năm 2011, thị xã liên kết đặt hàng với 2 cơ sở dạy nghề là Trường Trung cấp Nghề Nghĩa Lộ, Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Hướng nghiệp dạy nghề thị xã Nghĩa Lộ mở các lớp đào tạo cho 325 học viên với các lớp sơ cấp nghề và đào tạo dưới 3 tháng. Kết quả tạo việc làm sau đào tạo đạt khá cao ở một số ngành nghề như: sửa chữa xe máy, gò hàn, kỹ thuật xây dựng hoặc tự tạo việc làm tại gia đình như trồng nấm, nuôi trồng thủy sản, dệt thổ cẩm...

Kết quả này cho thấy, việc đào tạo nghề cho người lao động góp phần tăng thu nhập cho người dân song quy mô chưa lớn mà chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, manh mún. Tuy nhiên, với tình hình thực tế về điều kiện tự nhiên là thiếu đất sản xuất nông nghiệp cho lao động dư thừa đã qua đào tạo và không có các công ty, doanh nghiệp, xưởng sản xuất lớn để thu hút người lao động nên tình trạng người lao động sau đào tạo phải kiếm việc làm ở các huyện, tỉnh khác đang trở nên phổ biến. Đây là vấn đề rất bức thiết đối với các cấp chính quyền thị xã trong việc tạo cơ hội việc làm cho lao động đã qua đào tạo có trình độ, tay nghề.

Bên cạnh đó, học viên được đào tạo chủ yếu là lao động dư thừa ở nông thôn nên sau khi đào tạo xong, việc đầu tư vào nghề đã học rất ít. Mặc dù đã được chính quyền khuyến khích và Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã tạo điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất song người lao động còn rụt rè, e ngại nên việc tự tạo việc làm, tăng thu nhập còn hạn chế.

Về xuất khẩu lao động, tuy Nghĩa Lộ dồi dào về lực lượng, có thể cung cấp cho các thị trường lao động ngoài nước nhưng do nhận thức của người dân chưa cao nên việc tổ chức đi xuất khẩu lao động chưa đạt hiệu quả (năm 2011, thị xã mới chỉ có 1 lao động đi xuất khẩu lao động dưới hình thức tự túc). Ngoài ra, tư tưởng làm giàu, phát triển kinh tế của người lao động bằng hình thức xuất khẩu lao động còn kém nên có không ít người đi lao động ở nước ngoài trở về không những không tích lũy được vốn mà còn nợ đọng vốn vay ngân hàng.

Trước tình hình này, UBND thị xã Nghĩa Lộ cùng các cấp, các ngành xác định, việc tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế địa phương là nhiệm vụ hàng đầu trong những năm tiếp theo với quyết tâm đào tạo nghề, tạo việc làm, ổn định và phát triển đời sống nhân dân thông qua Đề án 1956. Năm 2011, thị xã đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” và xây dựng kế hoạch về triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Chính phủ; có kế hoạch điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề và xây dựng mô hình dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Nghĩa Lộ cũng tổ chức hội nghị quán triệt về Quyết định 1956 tới các thành viên ban chỉ đạo thị xã, các xã, phường, cơ quan, ban, ngành có liên quan; chỉ đạo việc kiện toàn ban chỉ đạo giảm nghèo, thành lập ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 cấp xã, phường. Thị xã đề ra các mục tiêu cụ thể: đào tạo nghề cho LĐNT năm 2012 là 400 - 500 lao động; tỷ lệ lao động tham gia học nghề có việc làm sau khi học nghề theo các mô hình được đào tạo đạt 70%; đào tạo cán bộ, công chức xã, phường về nghiệp vụ quản lý Nhà nước, nghiệp vụ chuyên môn...

Với những mục tiêu này, thị xã Nghĩa Lộ đã đặt ra những nhiệm vụ cụ thể trong các năm tới. Đó là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là ở các cơ sở, trong nhân dân để mọi người hiểu rõ mục đích của công tác đào tạo nghề; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các cơ sở dạy nghề, UBND các xã, phường làm tốt công tác tuyển sinh, chiêu sinh, mở lớp; lập kế hoạch đào tạo cụ thể ở các xã, phường, ưu tiên các xã, phường chưa có lớp; phối hợp với các cơ sở tuyển dụng lao động, nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm; gắn đào tạo với thực hành, áp dụng vào thực tế tại gia đình và các cơ sở kinh tế địa phương để người lao động nâng cao tay nghề, học hỏi kinh nghiệm.

Theo YBĐT