Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của hơn 300 đại biểu đến từ các nước CH Congo, CH Dân chủ Congo, Gabon, Senegal, Angola và Việt Nam. Đoàn Việt Nam gồm 14 thành viên trong đó có đại diện Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 8 doanh nghiệp chuyên nhập khẩu, chế biến gỗ, do đồng chí Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á làm Trưởng đoàn.
Về phía nước chủ nhà Congo có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Cung ứng, Trưởng vùng thành phố Pointe-Noire, Thị trưởng thành phố Pointe-Noire, Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp, Nông nghiệp và Ngành nghề thành phố Pointe-Noire, đại diện Bộ Kinh tế Lâm nghiệp và đông đảo các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Congo. Các nước thành viên của UEMOA và CEMAC như CH Dân chủ Congo, Gabon, Senegal cũng tổ chức các đoàn doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tham dự Hội thảo này. Về phía các tổ chức quốc tế có đại diện của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF).
Trong bài phát biểu chào mừng, Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp, Nông nghiệp và Ngành nghề thành phố Pointe Noire, ông Sylvestre Didier Mavouenzela đánh giá cao việc tổ chức sự kiện này và sự tham gia tích cực của đoàn Việt Nam, đại diện cho ba nước thuộc khu vực sông Mekong nói tiếng Pháp. Cuộc gặp Bên mua/Bên bán về gỗ góp phần giải quyết vấn đề thiếu thông tin thương mại và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của ba vùng kinh tế gặp gỡ trực tiếp để thương thảo các hợp đồng thương mại.
Phát biểu tại Cuộc gặp, ông Lý Quốc Hùng, đại diện Bộ Công Thương cho biết Hội thảo gỗ lần này được tổ chức sau thành công của Cuộc gặp Bên mua/Bên bán về gỗ và các sản phẩm gỗ diễn ra vào tháng 11/2011 tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2011, tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,3 tỉ đô la tỷ USD trong đó nhập khẩu từ châu Phi đạt 106 triệu USD, tương đương 8%, chủ yếu từ các nước khu vực Trung Phi là Cameroon, Gabon và Congo. Trong khi đó, nhiều nước thuộc CEMAC và UEMOA lại có diện tích đất rừng lớn và là những nước xuất khẩu quan trọng mặt hàng này. Cuộc gặp tại Pointe Noire tiếp tục mở ra cơ hội tốt để các doanh nghiệp của Việt Nam và của các nước khu vực UEMOA, CEMAC hiểu biết hơn về nhu cầu của nhau, qua đó xúc tiến các hợp đồng và thoả thuận hợp tác trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi thông tin và tìm ra các giải pháp thúc đẩy trao đổi thương mại giữa ba không gian kinh tế khu vực. Nhân dịp này, đại diện Bộ Công Thương Việt Nam đã giới thiệu về tình hình kinh tế Việt Nam, đặc biệt là những thành tựu trong lĩnh vực ngoại thương; điểm lại quan hệ thương mại Việt Nam-Congo thời gian qua; cung cấp thông tin về nhu cầu nhập khẩu gỗ của Việt Nam và tình hình nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ hai khu vực UEMOA và CEMAC.
Tại Hội thảo, ông Ben Mohamed Imamo, đại diện cho Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OF) cho biết năm 2011 riêng 6 nước thuộc khối CEMAC xuất khẩu đến 1,6 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ trong khi đó Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu 1,3 tỷ USD nhóm hàng này từ các nước trên thế giới. Tuy nhiên, năm 2011, kim ngạch nhập khẩu gỗ của Việt Nam từ CEMAC mới đạt 99 triệu USD.
Mục tiêu của Hội thảo tại Pointe Noire là giúp các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ của Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ khu vực Tây và Trung Phi nói tiếng Pháp gặp gỡ trực tiếp, nắm được những thông tin về khả năng cung/cầu mặt hàng này, xúc tiến các hợp đồng thương mại, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính trong những năm qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến trao đổi thương mại giữa ba vùng kinh tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Claudine Munari, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Cung ứng Cộng hòa Congo đã đánh giá cao việc tổ chức Cuộc gặp này đồng thời giới thiệu đôi nét về ngành gỗ Congo. Việc khai thác gỗ tại Congo đáp ứng được hai yêu cầu của Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững tại Copenhagen và Durban, là bảo vệ rừng để chống lại sự nóng lên của trái Đất và bảo đảm sự phát triển bền vững cho các nước mà ở đó gỗ là một nguồn kinh tế quan trọng. Congo đang triển khai chương trình trồng 1 triệu ha rừng và kể từ năm 2000, áp dụng Bộ luật về lâm nghiệp theo đó 80% gỗ tươi của Congo phải được chế biến tại địa phương nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tạo công ăn việc làm, phát triển ngành công nghiệp chế biến, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Cung ứng Cộng hòa Congo kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực trồng và chế biến gỗ tại Congo.
Sau lễ khai mạc, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại, Công nghiệp, Nông nghiệp và Ngành nghề thành phố Pointe Noire đã ký Biên bản hợp tác.
Tiếp đó, đại diện đoàn Việt Nam, Congo và Gabon đã giới thiệu chi tiết về khả năng cung cầu gỗ và sản phẩm gỗ và những điều kiện kinh doanh của nước mình. 200 doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ tham dự Hội thảo đã tiến hành tiếp xúc trực tiếp (B to B) giới thiệu công ty, trao đổi thông tin về nhu cầu, giá cả để tiến tới ký kết hợp đồng.
Bên lề Cuộc gặp về gỗ, Trưởng đoàn Việt Nam đã có buổi làm việc với bà Claudine Munari, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Cung ứng CH Congo. Hai bên đã trao đổi tình hình hình hợp tác thương mại và bàn các biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Congo đạt 47,2 triệu USD, tăng 38% so với năm 2010 trong đó chủ yếu là dệt may, gạo, clanhke, xi măng, hải sản. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Congo đạt 13,4 triệu USD, tăng hơn gấp đôi so với năm 2010 với các mặt hàng nhập khẩu chính gồm gỗ và các sản phẩm gỗ, sắt thép phế liệu, đồng.
Bộ trưởng Thương mại và Cung ứng Congo cho biết Congo có nhu cầu lớn về các mặt hàng thực phẩm (gạo, ngô, thịt lợn, thịt gà...) và thuốc chữa bệnh, đặc biệt là thuốc chống sốt rét và đề nghị Bộ Công Thương Việt Nam cung cấp danh mục các mặt hàng thế mạnh và giá bán để phía Bạn xem xét, ký kết các thỏa thuận cung ứng hàng thường xuyên. Với lợi thế là cảng biển Pointe Noire, Cộng hòa Congo còn là cửa ngõ để để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và đầu tư của Việt Nam thâm nhập thị trường 200 triệu dân khu vực Trung và Đông Phi.
Nhằm tăng cường thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước, Bộ trưởng cũng đề nghị hai bên sớm tổ chức Kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ lần thứ hai tại Congo (Kỳ họp thứ nhất diễn ra tại Hà Nội năm 2003).
Nhân dịp này, đại diện Bộ Công Thương Việt Nam đã trao công hàm đề nghị phía Cộng hòa Congo công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ và dự thảo MOU về thương mại gạo giữa hai Bộ Công Thương. Bộ trưởng Thương mại và Cung ứng Congo hi vọng hai nước sẽ ký MOU này nhân dịp Bộ trưởng sang thăm Việt Nam hoặc tại Kỳ họp Ủy ban Liên chính phủ lần hai tại Brazzaville.
Trong thời gian ở Congo từ ngày 6 đến 10/5, theo chương trình công tác, đoàn Việt Nam còn tham gia Diễn đàn Kinh doanh xanh (khai mạc ngày 8/5), đi thăm các doanh nghiệp gỗ và dược phẩm của Congo và có các buổi làm việc với Bộ trưởng Kinh tế lâm nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp thành phố Pointe Noire, đại diện của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC).
Theo Bộ Công Thương