Theo ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên, tính đến hết tháng 9, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2015 được phê duyệt của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 112,812 tỷ đồng tăng 6,11% so với năm 2014. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 48,866 tỷ đồng; đã có 27/28 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương với tổng kinh phí 63,945 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm nay, các tỉnh, thành phố trong khu vực đã tổ chức đào tạo nghề cho 2.785 lao động; đào tạo nâng cao năng lực quản lý và khởi sự cho 1.537 người, tổ chức hội thảo chuyên đề cho 1.730 người; tổ chức 21 mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ 140 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất; hỗ trợ gần 215 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ trong nước với trên 1.042 gian hàng, hỗ trợ đăng ký và xây dựng thương hiệu cho 13 cơ sở CNNT…
Cũng theo ông Cường, nội dung hoạt động khuyến công ngày càng đa dạng phong phú; quy mô, chất lượng các đề án khuyến công được nâng cao…đã góp phần tích cực vào thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương trong khu vực; hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục được quan tâm thực hiện đã tạo thêm nguồn thu cho trung tâm khuyến công các địa phương; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công từ trung ương đến địa phương cơ bản đã hoàn thiện; một số các trung tâm khuyến công trong khu vực đã trình UBND tỉnh phê duyệt các văn bản về thực hiện khuyến công địa phương phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới về khuyến công.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp địa phương, hoạt động khuyến công khu vực còn tồn tại một số vướng mắc như: Công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, đề xuất các đề án khuyến công và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, ít các đề án mang tính liên tỉnh, liên vùng có sức lan tỏa cao. Việc thực hiện và thanh quyết toán kinh phí các đề án còn chậm so với tiến độ đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch chung; kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ khuyến công còn yếu; tiến độ thực hiện một số nội dung hoạt động khuyến công 9 tháng đầu năm còn chậm, tỷ lệ giải ngân các đề án khuyến công quốc gia thấp mới đạt khoảng 50%; công tác tuyên truyền còn hạn chế.
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Hồng Phong đề nghị Sở Công Thương các địa phương: Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung hoạt động khuyến công theo Nghị định số 45/2012/NĐ-CP thực hiện mạnh mẽ đồng bộ các nội dung hoạt động khuyến công theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg. Trong đó, chú trọng Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; chương trình hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp….
Các Sở Công Thương tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các đề án khuyến công, đảm bảo hoàn thành các đề án khuyến công được giao đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, chế độ cũng như các quy định về quản lý hoạt động khuyến công. Quan tâm xây dựng các chương trình, đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm với nguồn kinh phí đủ lớn nhằm tạo sự bứt phá và có bước chuyển rõ rệt.
Đặc biệt, các địa phương cần phối hợp với Cục công nghiệp địa phương, tập trung cao độ về thời gian, nhân lực hoàn thành nhiệm vụ năm 2015 và xây dựng kế hoạch năm 2016 đúng tiến độ.
Theo Báo Công Thương