Bạn đang ở đây

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu lần thứ 9 kết thúc tốt đẹp

05/09/2011 11:06:30
Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh: “Chúng ta đã có những cuộc đối thoại bổ ích, thẳng thắn, cởi mở và mang tính xây dựng, đề cập đến những vấn đề quan trọng của tình hình thế giới và khu vực, của hợp tác và tương lai phát triển của ASEM”.
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng sự ra đời và tồn tại của ASEM hơn 10 năm qua đã đáp ứng được mong mỏi và quyết tâm của các nước Á-Âu trong việc xây dựng và thúc đẩy quan hệ đối tác thực sự giữa hai châu lục.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị đã có tới gần 100 cuộc tiếp xúc song giữa các trưởng đoàn nhằm thắt chặt tình đoàn kết và tăng cường quan hệ ngoại giao giữa các nước thành viên ASEM. Hội nghị đã đạt được một số kết quả nổi bật:
Thứ nhất là, các đại biểu đã nhất trí cao về sự cần thiết thúc đẩy một cách mạnh mẽ hợp tác kinh tế trong ASEM và sớm triệu tập lại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM và hoan nghênh việc Ấn Độ xem xét khả năng đăng cai Hội nghị vào cuối năm 2009. Các ngoại trưởng cũng thống nhất cần chuẩn bị tốt cho Hội nghị Bộ trưởng Tài chính tại Tây Ban Nha trong năm 2010. Đây là bước tiến góp phần quan trọng giúp ASEM có vai trò và tiếng nói mạnh mẽ hơn trong tình hình khủng hoảng tài chính-kinh tế hiện nay. Ngoài ra các Bộ trưởng cũng khẳng định tiếp tục ủng hộ nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, thúc đẩy vòng đàm phán Dolha sớm có tiến triển, đổi mới cơ chế tài chính-tiền tệ quốc tế, cấu trúc lại hệ thống kinh tế, thương mại thế giới sau khủng hoảng.
Thứ hai là, các đại biểu nhất trí rằng trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng và khó lường, việc tăng cường hơn nữa hợp tác và đối thoại giưa hai châu lục Á-Âu là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh của hai châu lục và thế giới. Các ngoại trưởng ASEM cùng chia sẻ quan điểm cần phải đẩy mạnh đối thoại và tăng cường quan hệ hữu nghị, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Các bộ trưởng cũng thông qua Tuyên bố của Hội nghị FMM9 về vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên vào ngày 25/5/2009.
Thứ ba là, các đại biểu thống nhất rằng ASEM cần tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc ứng phó với các thách thức toàn cầu, đặc biệt là về vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh hàng hải, chống dịch bệnh, chống khủng bố. Theo tinh thần đó, ASEM sẽ đóng góp tích cực cho thành công của Hội nghị Biến đổi khí hậu của LHQ tại Cophenhagen vào tháng 12/2009.
Thứ tư là, Hội nghị đã thông qua nhiều sáng kiến quan trọng và có ý nghĩa thiết thực về các lĩnh vực biến đổi khí hậu, hợp tác phát triển, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển đô thị và nhiều lĩnh vực khác.
Cuối cùng, các ngoại trưởng Á-Âu cũng nhất trí rằng việc mở rộng ASEM sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ hơn, tăng cường hợp tác và đối thoại, và làm cho quan hệ đối tác Á-Âu có thể đối phó được với những thách thức toàn cầu hiện nay và trong tương lai. Các đại biểu cũng hoan nghênh việc Australia và Nga xin chính thức gia nhập ASEM tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEM lần thứ 8 tại Brusselses (Bỉ) vào năm 2010.
Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị FMM9, Trưởng đoàn Vương quốc Campuchia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Hor Namhong chia sẻ quan tâm về cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính đang tác động sâu rộng đến các nền kinh tế ở châu Á. Ông Hor Namhong khẳng định việc sớm tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM sẽ góp phần  giúp các nền kinh tế của hai châu lục vượt qua khủng hoảng, và tin tưởng rằng Hội nghị FMM 9 sẽ đóng góp tích cực vào việc ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.
Trưởng đoàn Ủy ban Châu Âu, Cao ủy về quan hệ đối ngoại và láng giềng châu Âu, Benita Ferrero Waldner, đánh giá cao sự đóng góp tích cực của Việt Nam trong ASEM như việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 5 và công tác chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị FMM 9. Bà nhắc lại các kết quả đã đạt được tại các Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 7 và vui mừng nhận thấy việc triển khai các kết quả này sẽ được trao đổi tại Hội nghị FMM 9, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều nước châu Á nữa gia nhập ASEM. Khẳng định tầm quan trọng của ASEM, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Czech Jan Kohout phát biểu với tư cách Chủ tịch luân phiên của EU, nhất trí với việc tăng cường phối hợp hành động trong ASEM.
Nhân dịp này, Hội nghị FMM9 đã ra Tuyên bố của Chủ tịch. Tuyên bố gồm 31 điểm nhấn mạnh đến việc hợp tác ngăn chặn khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu, chống chủ nghĩa bảo hộ, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường đối với hàng xuất khẩu của các nước đang phát triển, kêu gọi các nước phát triển thực hiện cam kết dành 0,7% thu nhập quốc gia cho vốn viện trợ phát triển (ODA); nỗ lực đối phó với các thách thức toàn cầu. Các Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc tăng cường đối thoại chính trị, đối thoại giữa các nền văn hóa văn minh và cam kết hợp tác quốc tế và khu vực trong việc đối phó với bệnh dịch xuyên quốc gia và châu lục.
Tuyên bố cũng tái khẳng định ủng hộ công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto. Các nước phát triển cần đi đầu và xây dựng các mục tiêu dài hạn trong việc cắt giảm khí thải và kêu gọi các nước phát triển xác định các chỉ tiêu này trước khi diễn ra Hội nghị Copenhagen ở Đan Mạch vào tháng 12 năm nay. Tuyên bố 1 lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức; khẳng định cam kết tìm kiếm 1 giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Iran.
(Theo VOV)