Bạn đang ở đây

Học tập kinh nghiệm xúc tiến thương mại của Nhật Bản và Na Uy

06/02/2015 08:40:23
Nhật Bản
Cơ quan XTTM là Tổ chức XTTM Ngoại thương Nhật Bản (Japan External Trade Organization - JETRO). JETRO có trách nhiệm xúc tiến hoạt động ngoại thương và đầu tư nước ngoài của Nhật Bản, hỗ trợ hoạt động kinh tế đối ngoại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản, thu thập và xử lý thông tin về kinh tế các nước trên thế giới, nghiên cứu các nước đang phát triển.
Hiện nay JETRO có 58 văn phòng tại nước ngoài và 40 văn phòng trong nước. JETRO được coi là cơ quan phi lợi nhuận và được xếp vào nhóm cơ quan sự nghiệp phúc lợi công cộng, thuộc chính phủ, nhưng không phải là bộ máy quản lý.
JETRO hoạt động bằng nhiều nguồn kinh phí: nguồn ngân sách nhà nước tập trung được cấp trực tiếp từ Bộ Tài chính; nguồn ngân sách nhà nước cấp gián tiếp qua ngân sách địa phương, ngành trên cơ sở hợp đồng; các khoản thu khác (bao gồm phí hội viên, các hoạt động có thu).
Na Uy
Chiến lược XTTM hiệu quả đã sớm đưa Na Uy trở thành quốc gia hàng đầu trong phát triển thương hiệu thủy sản và XTTM thuỷ sản. Ngành nuôi cá hồi được tiên phong bởi Tổ chức Bán buôn thủy sản của nông dân (Fish Farmers Sales Organization - FFSO), tổ chức chịu trách nhiệm phát triển thị trường cho cá hồi nuôi. Giữa những năm 1980, sản lượng cá hồi nuôi đạt mức khổng lồ, trở thành sản phẩm chủ lực, có sản lượng lớn hơn cả đánh bắt truyền thống và nguy cơ mất giá tăng cao nên đã đặt ra nhu cầu XTTM quốc tế để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm cá hồi nuôi.
Na Uy áp dụng cách tổ chức và phối hợp nhà nước và cộng đồng để xây dựng và phát triển thương hiệu chung, thương hiệu quốc gia cho sản phẩm chủ lực cá hồi và thực hiện hiệu quả những chương trình phát triển thị trường. Bằng cách phối hợp nguồn lực của doanh nghiệp qua cơ chế cụ thể và được luật hóa, cộng đồng doanh nghiệp đủ khả năng tiến hành hoạt động chuyên sâu hơn là việc chỉ tham gia hội chợ, hội thảo, như: nghiên cứu thị trường, tiếp thị, quan hệ công chúng, thay đổi nhận thức người tiêu dùng, thay đổi hình ảnh sản phẩm...
Khi thương hiệu chung Cá hồi Na Uy với biểu tượng là một ngư phủ lão luyện trên nền của núi tuyết và biển xanh, hình ảnh môi trường trong sạch, sau hàng chục năm bền bỉ tác động nên rất thành công tại thị trường Nhật Bản, được người tiêu dùng Nhật Bản, nơi người tiêu dùng đặc biệt không ăn sống sản phẩm xuất xứ từ nuôi trồng, kể cả cá hồi.
Hội đồng Xuất khẩu Thủy sản Na Uy được thành lập bởi Bộ Thủy sản và Các vấn đề ven biển (nay là Bộ Công thương và Thủy sản), là tổ chức đại diện cho những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Na Uy, có nhiệm vụ giúp Chính phủ quản lý một số hoạt động xuất khẩu - chủ yếu là xuất khẩu cá hồi (chiếm 58%). Trước khi Hội đồng được thành lập, Na Uy có 12 hiệp hội ngành hàng cùng thực hiện việc quản lý này.
Hội đồng có Ban giám đốc, các ban cố vấn (đối với từng sản phẩm thủy sản) và bộ máy giúp việc khoảng 60 người, trong đó 40 người tại trụ sở Hội đồng, còn lại là đại diện Hội đồng tại nước ngoài và các vùng miền ở Na Uy. Từ năm 2005, Hội đồng hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, có 12 văn phòng tại nước ngoài (đặt trong hoặc bên cạnh các đại sứ quán, phòng đại diện thương mại Na Uy tại nước ngoài). Hội đồng được tổ chức và hoạt động theo Luật Xuất khẩu thủy sản Na Uy (ban hành năm 1990); trong đó quy định: Hội đồng có quyền thu phí để phục vụ các nhiệm vụ của Hội đồng, có hai hình thức - thu phí hằng năm và thu theo giá trị xuất khẩu theo từng loại mặt hàng (hàng xuất khẩu thông thường: thu 0,75% giá trị mặt hàng; hàng xuất khẩu giá trị gia tăng: thu 0,2%).
Nguồn: Tạp chí thủy sản Việt Nam