Bạn đang ở đây

Hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Đào thải lao động thiếu kỹ năng

11/12/2014 07:47:51

 Tám lĩnh vực nghề nghiệp mà người lao động được quyền di chuyển tìm việc làm sau khi AEC hình thành gồm: Kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch. Nhưng điều kiện đặt ra để nhận được quyền tự do làm việc trong các nước thuộc khối ASEAN rất ngắn gọn: “Trình độ chuyên môn đẳng cấp quốc tế; lưu loát ngoại ngữ (ít nhất phải là tiếng Anh)”.

Các quốc gia ASEAN đã có thỏa thuận công nhận lẫn nhau và đến nay, các thỏa thuận này đã được ký kết cho các lĩnh vực nghề nghiệp gồm: Người hành nghề y, nha khoa, y tá; dịch vụ kế toán, tư vấn; kiến trúc và dịch vụ đo đạc. Theo thỏa thuận, các nước trong khối ASEAN sẽ công nhận kỹ năng, bằng cấp được đào tạo giữa các quốc gia cùng với những nới lỏng về visa, thời gian lưu trú cho người lao động. Đó là những khung pháp lý về hợp tác lao động trong AEC, hứa hẹn sẽ tạo ra chỗ làm việc với thu nhập cao cho người lao động.

Trong khi đó, theo một báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, trong 53 triệu người trong độ tuổi lao động ở Việt Nam, chỉ có 25,4% có chuyên môn kỹ thuật; số công nhân có chứng chỉ và bằng cấp chỉ chiếm 18,4%. Còn yêu cầu “lưu loát ngoại ngữ” thì chưa có thống kê, nhưng có thể sẽ rất thấp.

Chương trình đào tạo những chuyên gia tài chính kế toán trong doanh nghiệp phải bao quát cả kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng quản trị trong các lĩnh vực: Kế toán tài chính, kế toán quản trị, báo cáo tài chính, kỹ năng lãnh đạo, lập chiến lược và quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, luật, thuế và các dịch vụ bảo đảm.

Tại Hội thảo “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung” do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức đầu tháng 9/2014, ông Yoshiteru Uramoto- Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)- cho rằng, AEC có thể tạo thêm hàng triệu cơ hội việc làm ở Việt Nam, nhưng những lao động thiếu kỹ năng và kinh nghiệm sẽ không thể nắm bắt được những cơ hội đó.

Những phân tích trên cho thấy, khi AEC hình thành, lao động Việt Nam có thể sẽ bị thua trên sân nhà trong nhiều lĩnh vực. Vậy, những việc gì cần làm ngay trước viễn cảnh không mấy thuận lợi đó? Đây là vấn đề lớn, cần một đề án mang tầm quốc gia. Song, có thể nêu một vài việc cần làm ngay:

Trước hết, cần đào tạo bổ sung, đào tạo lại cho những lao động đã qua đào tạo hiện nay để có được “trình độ quốc tế”. Việc đào tạo bổ sung, đào tạo lại không thể giao cho các trường đại học, cao đẳng mà cần giao cho các hội nghề nghiệp như Hội Luật gia, Hội Y dược học, Hội Kế toán và kiểm toán thực hiện. Bởi lẽ, đó phải là những chương trình đào tạo ngắn hạn và với những giảng viên đẳng cấp quốc tế; nội dung đào tạo tập trung vào những kỹ năng thực hành cụ thể.

Thứ hai, cần tổ chức lại hệ thống dạy nghề, xác định hệ thống dạy nghề thuộc bộ nào quản lý. Quan trọng hơn là phải nâng cao năng lực đào tạo cho các trường dạy nghề cả về cơ sở vật chất, nội dung đào tạo theo những tiêu chuẩn quốc tế đối với từng nghề nghiệp.

Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nói chung, đào tạo nghề nói riêng là đòi hỏi cấp bách để lao động Việt Nam không bị thua trên sân nhà trong tương lai không xa.

Theo Báo Công Thương