Bạn đang ở đây

Hiệu quả từ các chương trình khuyến công

21/02/2013 10:40:55

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ thuộc các chương trình khuyến công quốc gia và địa phương, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã đã kịp thời giải quyết khó khăn trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ, sức mua giảm, chi phí giá vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào liên tục tăng cao…, từ đó duy trì, mở rộng sản xuất, góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm qua.

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC-TVPTCN) Yên Bái, năm 2012, Trung tâm được phê duyệt giải ngân 3.430 triệu đồng, trong đó có 1.430 triệu đồng thuộc nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và 2.000 triệu đồng từ nguồn khuyến công địa phương. Từ nguồn kinh phí này, Trung tâm đã thực hiện 36 đề án, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như: hỗ trợ đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất trong chế biến nông, lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng.

Điển hình trong số này là Đề án "Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến chè đen xuất khẩu" tại Công ty cổ phần Chè Liên Sơn (thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn).

Với mức hỗ trợ 200 triệu đồng thuộc chương trình khuyến công Quốc gia và nguồn vốn tự có, Công ty đã xây dựng một dây chuyền chế biến chè đen xuất khẩu có công suất thiết kế 1.500 tấn/năm và hình thành bộ máy quản lý lao động gồm 100 người. Nhờ vậy, Công ty đã có một hệ thống thiết bị dây chuyền đồng bộ, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu, sản xuất ra được sản phẩm chè đen đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cũng từ mức hỗ trợ 120 triệu đồng thuộc chương trình khuyến công quốc gia, TTKC-TVPTCN Yên Bái đã cùng với Công ty cổ phần Khai thác, Sản xuất và Xây dựng (xã Đại Phác, huyện Văn Yên) xây dựng thành công mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch bê tông có sản lượng 7,6 triệu viên/năm; sản phẩm đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu của thị trường.

Cũng từ nguồn vốn khuyến công, Đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật "Sản xuất ván ghép thanh" tại doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa (xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên) đã giúp cho đơn vị này xây dựng được một dây chuyền sản xuất ván ghép thanh, công suất 1.200m3 sản phẩm/năm.

Theo ông Đinh Văn Tuân - Giám đốc TTKC-TVPTCN Yên Bái, so với những năm trước đây kinh phí hỗ trợ trong năm qua được tập trung vào các cơ sở có mức đầu tư tương đối lớn, thị trường tiêu thụ lớn, đồng thời đảm bảo giải quyết được vấn đề nguyên liệu và lao động của địa phương.

Vì thế, số lượng cơ sở được hỗ trợ kinh phí khuyến công mặc dù có giảm nhưng mức hỗ trợ cho một cơ sở lại tăng lên nên có tác dụng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp một cách bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập, đồng thời tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho lao động nông thôn.

Phát huy kết quả đạt được, bước sang năm 2013, trên cơ sở nguồn kinh phí phân bổ từ khuyến công quốc gia và địa phương, TTKC-TVPTCN Yên Bái tiếp tục tập trung hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ở một số ngành nghề có lợi thế, tiềm năng như: chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gia công cơ khí nhỏ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tập trung xây dựng đề án tại các xã vùng sâu, vùng xa; lực chọn, xây dựng đề án có tính khả thi cao…

Theo YBĐT