Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 27/2014/TT-BCT quy định về quá cảnh hàng hóa của Vương quốc Campuchia qua lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thông tư này quy định về thủ tục cấp, gia hạn giấy phép quá cảnh, vận chuyển hàng hóa quá cảnh và tiêu thụ hàng hóa quá cảnh theo quy định của Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia ngày 26/12/2013 (sau đây viết tắt là Hiệp định).
Hàng hóa quá cảnh của Campuchia được phép qua 10 cặp cửa khẩu
Theo đó, các phương tiện vận tải của Việt Nam, Campuchia hoặc nước thứ ba tham gia vận chuyển hàng hóa quá cảnh bằng đường bộ, đường thủy quy định tại Điều 10 Hiệp định phải tuân thủ Hiệp định Vận tải đường bộ được ký giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia ngày 01/6/1998, Hiệp định được ký giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy ngày 17/12/2009, các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh phương tiện vận chuyển và người áp tải; thủ tục lưu kho, lưu bãi hàng hóa quá cảnh; thủ tục sang mạn, thay đổi phương tiện vận chuyển hàng hóa quá cảnh được thực hiện theo quy định của Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hải quan.
Hàng hóa quá cảnh được phép qua 10 cặp cửa khẩu quốc tế và 10 tuyến đường nối. Trong đó 10 cặp cửa khẩu quốc tế gồm: Vĩnh Xương (tỉnh An Giang) – Ca om Samno (tỉnh Kandanl); Thường Phước (tỉnh Đồng Tháp) – Cốc Rô Ca (tỉnh Prey Veng); Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) – Ba Vét (tỉnh Svay Riêng); Xa Mát (tỉnh Tây Ninh) – Tơrapeng Phơ-long (tỉnh Kong Pong Chàm); Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) – O Da Đao (tỉnh Ratanakiri); Hoa Lư (tỉnh Bình Phước) - Tơrapeng Sre (tỉnh Kara Chê); Tịnh Biên (tỉnh An Giang) – Phơ-nông Đơn (tỉnh Takeo); Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) – Prek Chak (Lork - tỉnh Kam Pốt); Dinh Bà (tỉnh Đồng Tháp) – Bontia Chăk Crây (tỉnh Prêy Veng); Bình Hiệp (tỉnh Long An) – Pray Vor (tỉnh Svay Riêng).
Chủ hàng hoặc người chuyên chở phải nộp, xuất trình các loại chứng từ cho cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan và các văn bản hướng dẫn.
Hàng hóa quá cảnh chịu sự giám sát của Hải quan Việt Nam trong toàn bộ thời gian hàng hóa quá cảnh trên lãnh thổ Việt Nam.
Hàng hóa quá cảnh được phép lưu lại tối đa 30 ngày
Hàng hóa quá cảnh được phép lưu lại trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tối đa là 30 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập khẩu, trừ trường hợp được gia hạn theo quy định.
Việc gia hạn thời gian quá cảnh hàng hóa do cơ quan cấp phép xem xét giải quyết đối với hàng hóa quá cảnh theo giấy phép và do cơ quan Hải quan xem xét giải quyết đối với hàng hóa quá cảnh không theo giấy phép theo quy định của pháp luật.
Thông tư cũng quy định, cấm tiêu thụ tại Việt Nam hàng hóa quá cảnh thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
Trừ trường hợp bất khả kháng, việc tiêu thụ loại hàng hóa khác phải được Bộ Công Thương chấp thuận bằng văn bản. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ phải thực hiện qua các thương nhân Việt Nam và phải làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan Hải quan theo quy định hiện hành về quản lý xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, việc thay đổi cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu trong phạm vi quy định tại Hiệp định do cơ quan cấp phép xem xét giải quyết đối với hàng hóa quá cảnh theo giấy phép và do cơ quan Hải quan xem xét giải quyết đối với hàng quá cảnh không theo giấy phép.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/10/2014 và thay thế Thông tư số 08/2009/TT-BCT quy định về quá cảnh hàng hóa của Vương quốc Campuchia qua lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Chinhphu.vn