Bạn đang ở đây

Góp phần nâng cao ý thức người dân Yên Bái về vệ sinh an toàn thực phẩm

23/04/2018 09:30:45
 
Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản trên địa bàn thành phố Yên Bái.
Song song với thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Yên Bái đã thực hiện hàng loạt các cơ chế, chính sách cùng những giải pháp thúc đẩy sản xuất nâng cao giá trị gia tăng trên mỗi héc - ta canh tác; hình thành xây dựng nhiều vùng sản xuất hàng hóa như: vùng lúa gạo, vùng cây ăn quả, vùng rau, vùng chè... với khối lượng lớn.
 
Cùng đó, ngành nông nghiệp, các huyện, thị xã, thành phố, nhất là Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp sản xuất, giám sát, kiểm tra các sản phẩm nông lâm sản. Tất cả đều hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả, an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường.

Khó ai có thể phủ nhận được sự phát triển trong sản xuất nông, lâm nghiệp Yên Bái trong những năm vừa qua, nhất là sau hơn hai năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM. Yên Bái đã xác định rõ nét những lĩnh vực, cây trồng, vật nuôi có thế mạnh để tập trung nội lực, ngoại lực cho phát triển, đến nay đã đều cho "hoa thơm, trái ngọt”.
 
Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tăng nhanh các đối tượng nuôi trồng có năng suất và giá trị kinh tế cao, tạo ra sự chuyển dịch căn bản về phương thức sản xuất, cũng như các hình thức tổ chức sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất.
 
Kết quả của Đề án đã góp phần ổn định an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn; đồng thời, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo, XDNTM. Giá trị tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp bình quân là 4,38%/năm; tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2017 đạt trên 305.000 tấn, vượt 5,5% so với kế hoạch...
 
Quan trọng hơn là đã và đang hình thành các vùng sản xuất hàng hóa với quy mô và khối lượng lớn như vùng cây ăn quả với diện tích trên 7.859,5 ha, đạt 82,7% kế hoạch, sản lượng quả các loại đạt 36.191 tấn, tăng 5.990 tấn; vùng rau an toàn hàng trăm héc-ta; vùng chè chế biến trên 8.000 ha; vùng sắn trên 15.000 ha, vùng lúa gạo hàng hóa trên 5.000 ha...
 
Ngành nông nghiệp, các huyện thị, lực lượng khuyến nông... đã mở hàng trăm lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và sau thu hoạch các sản phẩm nông - lâm nghiệp. Song song với đó là xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt các loại rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP tại các địa phương có nhiều lợi thế phát triển như: Văn Chấn, Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên. Thông qua các mô hình rồi đánh giá rút kinh nghiệm những mặt làm được, chưa làm được để nhân ra diện rộng.
 
Bên cạnh đó, Chi cục Bảo vệ thực vật -Thú y hướng dẫn nông dân trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc được phép sử dụng lưu hành, đặc biệt khuyến khích và ưu tiên những loại có nguồn gốc sinh học, ít độc hại và phân hủy nhanh. Trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất rau màu nói riêng không thể tránh khỏi việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, do đó, để quản lý tốt, bà con đã biết áp dụng biện pháp quản lý dịch hại IPM, thực hiện nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách). 
 
Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đăng ký chỉ đạo trực tiếp 10 mô hình sản xuất như: 2 mô hình sản xuất rau an toàn áp dụng tiêu chuẩn GAP cơ bản tại xã Phù Nham, huyện Văn Chấn và xã Đông Cuông, huyện Văn Yên với diện tích 7 ha.
 
Hiện, mô hình tại xã Phù Nham đã có doanh nghiệp cam kết cùng đầu tư bao tiêu sản phẩm. Hay như mô hình sản xuất chè Shan hữu cơ có giấy chứng nhận tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn; xây dựng 3 mô hình vùng sản xuất an toàn có dán nhãn truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm như vùng cam thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn và xã Khánh Hoà, huyện Lục Yên, vùng bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình...
 
Hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững, thành phố Yên Bái đã có Đề án Sản xuất rau an toàn, quy hoạch vùng trồng rau rộng trên 70,4 ha tại các xã vùng ven có tiềm năng sản xuất là Âu Lâu, Tuy Lộc và Văn Phú.
 
Sau hai năm triển khai, đến nay, đã thành lập được 2 tổ hợp tác và một HTX sản xuất rau an toàn với 109 thành viên tham gia. Diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm gần 11 ha. Trong hai năm, các tổ hợp tác, HTX đã sản xuất và cung ứng ra thị trường được 360 tấn rau, thu nhập bình quân đạt 280 triệu đồng/ha đất canh tác.
 
Các sản phẩm rau do các tổ hợp tác sản xuất đều được chứng nhận đủ điều kiện, được bao gói, có tem nhãn rõ ràng và được người tiêu dùng tin tưởng. Để giúp người dân có kiến thức về sản xuất an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn. Chỉ tính riêng năm 2017, tổ chức 18 lớp tập huấn nghiệp vụ về kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm cho gần 800 học viên là cán bộ huyện, xã, phường và các cơ sở, hộ chăn nuôi, trồng trọt.
 
Phối hợp với Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn I tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao về kiểm tra, phân loại, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm với trên 50 học viên tham gia là cán bộ tại các tỉnh, cán bộ các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cán bộ cấp huyện. Tổ chức 20 đợt thi xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho 201 học viên.
 
Thông qua tuyên truyền, hướng dẫn, vận động, đã góp phần thay đổi nhận thức của nông dân từ phương thức quảng canh sang thâm canh, từ thiếu an toàn sang an toàn, từ đơn lẻ sang liên kết, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, đã xuất hiện các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất rau an toàn theo phương pháp thủy canh như Công ty cổ phần Doanh nhân trẻ Yên Bái tại xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái với diện tích 2.000 m2...
 
Cùng với xây dựng, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, ngành nông nghiệp, đặc biệt là Chi cục luôn chú trọng và làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá xếp loại và kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp; đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm.
 
Tăng cường kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức có hành vi bao che, dung túng, thông đồng với các sai phạm về an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh, chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo quy định. Truy xuất nguồn gốc, xử lý tận gốc lô hàng, sản phẩm không đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Trong năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018 Chi cục tổ chức thanh tra liên ngành với 194 cơ sở (150 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, 17 cơ sở dịch vụ ăn uống, 3 cơ sở sản xuất dụng cụ, vật liệu...) và thanh tra chuyên ngành 23 cơ sở. Qua thanh tra đã phát hiện và xử lý 51 cơ sở vi phạm, phạt hành chính trên 88 triệu đồng, tiêu hủy nhiều mặt hàng không đảm bảo an toàn.
 
Thường xuyên kiểm tra giám sát 220 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. Lấy 157 mẫu phân tích, phát hiện 7 mẫu không đạt đã tổ chức truy xuất nguồn gốc và xử lý theo quy định. Trong năm, đã cấp 68 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và giấy xác nhận sản phẩm an toàn.
 
Kết hợp với công tác kiểm tra, còn  tiến hành lấy 205 mẫu (61 mẫu gửi phân tích và 144 mẫu test nhanh) phát hiện 2 mẫu chè khô có dư lượng Fipronil và 5 mẫu không đạt. 
 
Chi cục đã tiến hành truy xuất nguồn gốc thực phẩm mất an toàn đối với sản phẩm rau, thịt nhiễm vi sinh vật và sản phẩm quả tươi vượt ngưỡng thuốc bảo vệ thực vật Cabendazim đơn vị đã có công văn yêu cầu cơ sở tự thực hiện việc truy xuất nguồn gốc và tổ chức 3 đoàn thẩm tra việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản không đảm bảo an toàn, kết quả cho thấy hầu hết các cơ sở không thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
 
Riêng sản phẩm chè khô phát hiện dư lượng Fipronil đơn vị đã có thực hiện thẩm tra truy xuất nguyên nhân và có văn bản yêu cầu cơ sở thực hiện truy xuất lần 2. Chi cục đã cấp được 69 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới và những năm tiếp theo Chi cục tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý bằng các hình thức khác nhau như: đào tạo, tập huấn, xây dựng phóng sự, viết tin bài, phát hành tờ rời, treo băng rôn, khẩu hiệu… 
 
Cung cấp thông tin, địa chỉ cửa hàng bán sản phẩm nông sản xanh, thực phẩm sạch được đăng tải trên website của  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.
 
Thực hiện chương trình công khai kết quả kiểm tra, phân loại A, B, C cơ sở sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm trên trang Website của ngành nông nghiệp. Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Yên Bái. 
 
Xây dựng kế hoạch thanh tra việc thực hiện các quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm tập trung vào các sản phẩm nông sản có nguồn gốc động, thực vật.
 
Tăng cường công tác giám sát nông lâm thủy sản trên địa bàn, tập trung chủ yếu vào một số loại sản phẩm nông sản thông thường như rau, thịt, thủy sản. Tổ chức các đợt kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản thực phẩm, kiểm tra việc thực hiện các quy trình công nghệ, điều kiện đảm bảo an toàn của các cơ sở chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản.

Ngọc Trúc