05/09/2011 11:11:56
Những rào cản kích cầu
Theo TS Nguyễn Quang Thuật, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu FOODINCO, chương trình HTLS 4%/năm đã hỗ trợ thiết thực cho các DN, nhưng mới chỉ áp dụng cho các hợp đồng vay mới từ 1-2-2009, chứ không áp dụng cho các hợp đồng ký trước đó. Trước đây, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất, nhiều NHTM yêu cầu DN điều chỉnh tăng. Nhưng hiện nay lãi suất cơ bản đã giảm, song những hợp đồng vay trước đó không được giảm theo, do đó DN phải trả lãi suất 12-16%/năm, thậm chí lên đến 19%/năm.
Nhiều DN cho rằng, các gói kích cầu đã bộc lộ một vài hạn chế về đối tượng được hưởng HTLS. Ví như Quyết định số 2095/2009/QĐ-BTC của Bộ Công Thương ban hành ghi rõ danh mục các loại máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn thuộc danh mục chi tiết hàng hóa sản xuất trong nước được hưởng HTLS.
Nhưng trên thực tế có nhiều loại máy móc do cá nhân tự sáng chế, lại không nằm trong danh mục quy định tại quyết định này, nên không được HTLS. Do đó, người vay vốn để mua những máy móc trên không được tiếp cận gói kích cầu của Chính phủ. Chưa kể một số máy móc nhập ngoại có tính năng, tác dụng phù hợp để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, mà trong nước chưa sản xuất được cũng không được vay vốn HTLS. Do nguồn nguyên liệu khai thác trong nước chưa đủ để đáp ứng nhu cầu chế biến hàng xuất khẩu thủy sản, nhiều DN đã nhập cá đông lạnh về chế biến hàng xuất khẩu, nhưng mặt hàng này cũng không thuộc đối tượng được ưu tiên.
Các hộ nông dân trồng cà phê, tiêu, điều... suất đầu tư lớn (32-35 triệu đồng/ha), nhưng theo Thông tư số 09 của NHNN, mức vay HTLS lại không quá 7 triệu đồng/ha, như vậy là rất thấp. Những ví dụ trên cho thấy nhiều DN và bà con nông dân đã gặp không ít rào cản khi tiếp cận gói kích cầu của Chính phủ.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, những gói kích cầu này đã hỗ trợ hiệu quả cho các DN mạnh, còn DN vừa và nhỏ vẫn gặp khó khăn, có DN còn bị phá sản do không tiếp cận được nguồn vốn. Bà Cao Thị Nga, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) thừa nhận, NH cũng gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng được vay HTLS. Thêm vào đó, nhiều DN vẫn phải loay hoay thay đổi phương hướng kinh doanh để đáp ứng những điều kiện để được hưởng HTLS của NH. Do vậy, tốc độ giải ngân gói HTLS không được như mong muốn...
Quyết định khó khăn
Theo ông Nick Freeman, chuyên gia tư vấn kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam đã qua mức đáy, bắt đầu cải thiện từ quý II-2009. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần xác định thời điểm kết thúc chiến lược kích thích kinh tế. Đây là việc làm không dễ, bởi nếu kết thúc quá sớm, nền kinh tế có thể suy thoái trở lại, nhưng nếu kết thúc quá muộn, có thể bị lạm phát trở lại...
Thời gian gần đây, lãi suất huy động VND ở một số NH tăng mạnh, chứng tỏ nguồn vốn có dấu hiệu khan hiếm. Bà Cao Thị Nga cho biết, các NH đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Vì vậy, nguồn vốn cho vay trung, dài hạn theo chương trình HTLS không dồi dào.
Nền kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng tương đối lớn trong 6 tháng đầu năm, nhưng từ tháng 7 trở đi có dấu hiệu chững lại. Do vậy, việc điều chỉnh giữa ngăn ngừa lạm phát với tăng trưởng cần linh hoạt để không gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới.
Có nên kéo dài các gói kích cầu? Kéo dài đến thời điểm nào?... là những câu hỏi khó đang đặt ra cho các nhà quản lý. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trước diễn biến phức tạp của nền kinh tế và thị trường tài chính tiền tệ, Chính phủ và các ngành cần theo dõi sát tình hình để quyết định thời điểm dừng HTLS, nếu không Việt Nam có thể sẽ chịu áp lực tái diễn lạm phát vào những tháng cuối năm.
Để kích cầu đầu tư đúng hướng, cơ quan chức năng cần thực hiện tốt hơn việc công khai các danh mục đầu tư, thúc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, kể cả bằng nguồn vốn nhà nước. Để kích cầu tiêu dùng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như giảm giá hàng tiêu dùng, tăng lương, giảm thuế thu nhập cá nhân...
Dư nợ HTLS đạt hơn 377.694 tỷ đồng
- Nhóm NHTM Nhà nước và Quỹ Tín dụng nhân dân TƯ: 266.107 tỷ đồng.
- Nhóm NHTMCP: 88.896 tỷ đồng.
- Nhóm NH liên doanh, chi nhánh NH nước ngoài và NH 100% vốn nước ngoài: 18.696 tỷ đồng.
- Số còn lại là các công ty tài chính.
Nếu phân theo đối tượng vay vốn, DN nhà nước vay 58.429 tỷ đồng; DN ngoài nhà nước: 249.656 tỷ đồng, còn lại là hộ sản xuất.
(Theo HNMO)