Bạn đang ở đây

"Giấy thông hành" cho chè Yên Bái

07/08/2013 17:00:31
Bên cạnh đó, thị trường chè đồng thời xu thế phát triển chè hiện tại và những năm tiếp theo ngày một khắt khe cũng như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm phải được quan tâm đặt lên hàng đầu.
Nhờ chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật nên năng suất chè đã tăng trên 15% và giá bán cũng cao hơn.

Không phải đến lúc này Yên Bái mới quan tâm tới chất lượng chè, sản xuất chè sạch mà từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, các cấp, các ngành, người làm chè đã nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu chè, sản xuất, chế biến chè ngày một chất lượng, an toàn. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp giúp doanh nghiệp, người nông dân trồng mới, trồng cải tạo thay thế các giống chè cũ bằng giống chè lai có năng suất, chất lượng cao.

Một, hai năm trở lại đây, trước đòi hỏi của thị trường, đã có hàng ngàn hộ nông dân đã và đang sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, ISO... đáp ứng chế biến. Thực tế cho thấy, chỉ có sản xuất chè sạch, chè an toàn mới cho kết quả sản xuất tốt, tăng thu nhập và phát triển bền vững.

Ông Lại Thế Hùng - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học tỉnh Yên Bái cho biết: “Con đường duy nhất để phát triển sản xuất chè nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung một cách hiệu quả, bền vững buộc chúng ta phải làm quen và sản xuất sạch theo tiêu chuẩn. Sản xuất sạch không những nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm mà hàng hóa mới đủ điều kiện vào thị trường châu Âu và các thị trường "khó tính" khác”.

Để sản xuất chè an toàn, chè sạch hiệu quả, 72 cán bộ ngành nông nghiệp, nhất là đội ngũ cán bộ khuyến nông viên đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho hàng chục ngàn hộ nông dân về quy trình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap.

Đến nay, đã có 2.334 hộ nông dân đăng ký tham gia sản xuất chè sạch với diện tích trên 1.291ha ở 17 nhóm hộ trên các vùng chè. Vừa qua, Trung tâm Giám định và Chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy của VietCert đánh giá lần đầu mức độ thực hiện quy trình cho thấy, người dân đã thực hiện cơ bản đúng quy trình.

Quan trọng hơn là nhận thức về sản xuất an toàn, sản xuất chè sạch của người dân đã tốt hơn. Bà con đã biết sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng": đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, đúng liều lượng và an toàn khi sử dụng. Nhiều diện tích đã áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), coi đây là chìa khóa để duy trì sự điều khiển dịch hại, giảm thiểu thấp nhất sử dụng hóa chất diệt côn trùng cho sản phẩm chè an toàn, chất lượng, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Ngay cả trong bón phân cũng áp dụng biện pháp bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ vừa giảm chi phí lại vừa sản xuất bền vững.

Trong khâu thu hái cũng được chú trọng, trước đây hái bằng máy hay dùng liềm cắt một cách triệt để, nay bà con thu hái đúng kỹ thuật, đúng lứa, đúng kỳ, hái san trật, nhờ vậy năng suất chè tăng cao hơn 15% và giá bán cũng cao hơn từ 300 - 500 đồng/kg. Những kết quả bước đầu này rất đáng trân trọng nhưng vui hơn là thông qua dự án, chương trình và hướng dẫn của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, người dân đã nắm bắt thành thạo quy trình sản xuất chè an toàn, đó là nền tảng cho phát triển sản xuất chè bền vững.

Hiện nay, ngành nông nghiệp, Ban Quản lý Dự án tiếp tục hướng dẫn người dân hoàn thiện các quy trình sản xuất, thuê chuyên gia đánh giá và tiến tới cấp giấy chứng nhận VietGap cho các hộ gia đình với diện tích trên 1.200ha chè.

Rõ ràng, sản xuất chè sạch, chè an toàn là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế phát triển sản xuất hiện nay. Nó không chỉ giúp nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người trồng chè mà còn là "giấy thông hành" cho sản phẩm chè Yên Bái đến với các thị trường "khó tính" và xuất khẩu.

Theo YBĐT