Ít tác động vào sản xuất
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2015 tăng 0,16% so với tháng 4/2015, trong đó sự tác động của giá xăng dầu, điện, nước đến CPI đã thấy rõ nhất là nhà ở vật liệu xây dựng và nhóm giao thông, tăng lần lượt là 1,27% và 1,02%. Sau 5 tháng đầu năm CPI mới tăng 0,2% (so với 12 tháng năm 2014) và tăng 0,83% so với cùng kỳ.
Ngoài các yếu tố tăng giá, nhiều mặt hàng khiến CPI giảm như: Thời tiết thuận lợi với việc nuôi trồng hoa quả, thực phẩm và nhu cầu tiêu thụ giảm khiến chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,22% so với tháng trước. Trong đó, lương thực giảm 0,46% và thực phẩm giảm 0,29%, riêng ăn uống ngoài gia đình tăng 0,23%.
Đại diện Hiệp hội Xăng dầu cho rằng, việc điều chỉnh giá xăng trong 2 đợt (ngày 5/5 và ngày 19/5) vừa qua được thực hiện theo đúng Nghị định 83/NĐ-CP về tần suất và biên độ tăng giá. Đồng thời, việc tăng giá được công khai, minh bạch trên các trang thông tin Bộ Công Thương, Bộ Tài chính...
Theo hiệp hội, thời gian qua nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường gây áp lực lên tăng giá xăng dầu là không chính xác.
Ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)- nhận xét, việc điều chỉnh giá điện, xăng trong thời gian qua đã tác động tới CPI, tuy nhiên vẫn nằm trong tầm kiểm soát. “Cần đánh giá tác động thực của việc tăng giá xăng chủ yếu vào khâu nào, bởi thực tế việc tăng giá xăng không tác động nhiều đến đầu vào sản xuất mà chủ yếu ảnh hưởng đến tiêu dùng cá nhân và vận tải taxi”- ông Quyền đề xuất.
Kiểm soát kê khai giá cước
Tổ điều hành thị trường dự báo, trong tháng tới với xu hướng tăng giá một số mặt hàng trên thị trường thế giới sẽ ảnh hưởng tới giá một số mặt hàng trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu. Bên cạnh đó, do thời tiết nắng nóng nhu cầu sử dụng điện nước tăng cao có thể gây ảnh hưởng tăng tới CPI chung. Tuy nhiên do nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào, nhất là hàng lương thực, thực phẩm, sức tiêu thụ không tăng đột biến nên giá hàng hóa nói chung sẽ không tăng mạnh, dự kiến CPI tháng 6 sẽ tăng khoảng 0,3% so với tháng 5.
Theo đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), để hàng hóa nhất là giá cước vận tải không bị “ té nước theo mưa” ăn theo giá xăng, đề nghị các địa phương rà soát chặt chẽ hồ sơ kê khai tăng giá cước của doanh nghiệp vận tải.
Ông Võ Văn Quyền cho rằng, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần chú trọng kiểm soát một số vấn đề, cụ thể: Đối với nông sản, Sở Công Thương các địa phương và các địa phương có vùng sản xuất tăng cường kết nối cung cầu và có giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản chính vụ (vải thiều, nhãn…). Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cần theo dõi sát dịch bệnh để không ảnh hưởng đến sản xuất, chăn nuôi… Bên cạnh đó, theo ông Quyền, Bộ Tài chính cần tiếp tục kiểm tra, kiểm soát giá và theo dõi chặt chẽ việc kê khai tăng giá cước vận tải hành khách của các doanh nghiệp. Đồng thời, kiểm soát việc tăng giá các loại hàng hóa thiết yếu như giá sữa, kịp thời xử lý nghiêm những hành vi tăng giá bất hợp lý.
Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): thực tế việc tăng giá xăng không tác động nhiều đến đầu vào sản xuất mà chủ yếu ảnh hưởng đến tiêu dùng cá nhân và vận tải taxi. |
Theo Báo Công Thương