Cộng đồng ASEAN trong đó có một trụ cột là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời sẽ là một bước ngoặt, đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á, hướng tới mô hình cộng đồng kinh tế-an ninh-xã hội và nâng cao tính cạnh tranh của kinh tế khu vực, giúp ASEAN trở thành một thị trường rộng lớn với hơn 600 triệu dân và tổng GDP hằng năm vào khoảng 2.000 tỉ USD, đồng thời là nhà xuất khẩu lớn của thế giới.
Tuy nhiên, phần lớn các DN Việt Nam chưa có nhận thức đầy đủ về những thách thức của AEC cũng như chưa sẵn sàng để tận dụng những cơ hội đem lại. DN khá lạc quan rằng sự dịch chuyển ngày càng tăng của lao động, rào cản thương mại giảm và dòng vốn đầu tư tự do hơn sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, chỉ khoảng hơn 40% DN hiểu một cách đầy đủ về những tác động của AEC đối với công việc kinh doanh của mình. Đây là một tỉ lệ khá thấp so với các quốc gia ASEAN khác.
AEC có thể được định hướng bởi các chính phủ, tuy nhiên không thể thành công nếu thiếu sự tham gia tích cực của giới DN và công chúng nói chung. Để đón đầu các cơ hội, ứng phó với thách thức và rủi ro khi AEC được thành lập vào cuối năm nay, DN Việt, Chính phủ và cả người dân cần chú ý 4 vấn đề sau.
Thứ nhất, việc xây dựng tư duy tích cực trong hội nhập là rất quan trọng. DN cần nâng cao nhận thức, hiểu biết về hội nhập và coi các chương trình hội nhập kinh tế là một sự cam kết kinh tế mà trong đó có cả hợp tác và cạnh tranh. DN cần xem ASEAN là thị trường quan trọng như Mỹ, EU… vì thị trường khu vực láng giềng này bảo đảm cho DN tiết kiệm chi phí và có quy mô kinh doanh tiềm năng.
Cần xem ASEAN như sân nhà, và nhận thức rõ nếu không cạnh tranh và phát triển được trong ASEAN thì hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới sẽ thiếu hiệu quả. DN cần có những tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn thị trường ASEAN cũng như các chính sách hỗ trợ mà AEC mang lại. Từ đó vạch ra chiến lược kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư mạnh mẽ hơn nữa sang thị trường giàu tiềm năng này.
Thứ hai, cần cải thiện và phát huy giá trị cốt lõi của DN để nâng cao sức cạnh tranh. Một DN phải được coi là một chuỗi của các giá trị gia tăng, được tạo ra bởi các hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp và hoạt động hỗ trợ.
Hoạt động sản xuất kinh doanh bao gồm việc tạo sản phẩm, marketing, phân phối và dịch vụ sau bán hàng. Hoạt động hỗ trợ bao gồm nguồn lực, hạ tầng đầu vào, khả năng lãnh đạo, pháp luật, văn hóa, công nghệ thông tin… hỗ trợ tạo giá trị gia tăng và giảm chi phí.
Năng lực của DN là tập hợp chuỗi giá trị gia tăng của các hoạt động đó và đây là giá trị cốt lõi của DN. Tạo sự khác biệt về giá trị cốt lõi sẽ bảo đảm cho DN có lợi thế so sánh với các đối thủ cạnh tranh, mang lại lợi nhuận cho DN. Muốn nhận biết được sự khác biệt đó, DN phải xây dựng cho mình các công cụ phân tích cạnh tranh như SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức), đối thủ và thị trường.
Thứ ba, xu hướng kinh doanh hiện đại hướng tới các chuỗi giá trị dịch vụ chung và liên kết ngành. Do vậy DN (nhất là trong các hiệp hội ngành hàng và ngân hàng) cần học hỏi lẫn nhau về chiến lược cạnh tranh trong kinh doanh, cùng tham gia vào chuỗi giá trị, tạo sức mạnh lợi thế nhờ quy mô và phát huy tốt hơn lợi thế so sánh.
Khi AEC thành lập, dự báo sẽ có nhiều DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ thâm nhập và chiếm hữu thị phần của DN Việt. Muốn cạnh tranh, các DN Việt Nam, vốn là các DN vừa và nhỏ, cần phải liên kết ngày một chặt chẽ với nhau, tạo thành sức mạnh của cộng đồng.
DN cũng cần tăng cường trao đổi, đối thoại với các cơ quan của Chính phủ cũng như các hiệp hội để kịp nắm bắt thông tin, chính sách, đồng thời phản ánh những khó khăn, trở ngại để các cơ quan chức năng kịp thời có những điều chỉnh phù hợp với thực tế. Ngoài ra, các DN Việt Nam cũng có thể liên kết với các DN ASEAN khác để tăng sức cạnh tranh với DN ngoài ASEAN.
Thứ tư, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đàm phán định hướng và mở rộng thị trường, Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng cần có các hoạt động, chương trình hỗ trợ để nâng cao và phổ biến kiến thức cho cộng đồng DN về AEC.
Cần đổi mới thể chế, xây dựng hành lang pháp lý nhất quán, thông thoáng, minh bạch, công khai, dễ dự báo, tạo môi trường thuận lợi hơn cho kinh doanh và đầu tư. Cần thiết lập lộ trình phát triển, quy hoạch chiến lược cho các mặt hàng, ngành mũi nhọn của Việt Nam để tận dụng được hết những lợi thế như vị trí địa lý, nguồn nhân lực... đem lại. Ngoài ra, cần có sách lược phát triển, bảo vệ quyền lợi cho DN và phòng chống rủi ro về tài chính (nhất là đối với DN vừa và nhỏ) trong việc phát triển thị trường nội địa và khu vực ASEAN.
Các tổ chức chính trị, xã hội và người dân, người tiêu dùng Việt Nam cũng cần xây dựng cho mình một văn hóa tiêu dùng thông minh và khoa học, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của DN và đất nước.
Theo Chinhphu.vn