Theo chủ trương từ năm 2008, giá điện sẽ dần theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, trong năm 2011-2012, do nền kinh tế rất khó khăn nên Chính phủ vẫn phải kiểm soát về giá điện. Hơn nữa, nhu cầu năng lượng càng tăng, nguồn sơ cấp càng ngày càng giảm, do vậy, giá điện theo xu hướng sẽ tăng.
Bên cạnh đó, về việc điều chỉnh giá điện, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Đặng Huy Cường cho biết thêm: liên Bộ Công Thương – Tài chính đang rà soát lại việc cung ứng điện năm 2013 trên cơ sở cân đối các khoản lỗ để có thể trình Chính phủ (dự kiến trong tháng 12 này) lộ trình điều chỉnh giá điện giai đoạn 2013-2015. Việc điều chỉnh dự kiến sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng để giảm tối thiểu những ảnh hưởng đến đời sống người dân, tránh những cú sốc tăng giá tâm lý.
Theo tính toán từ chênh lệch giá thành điện và giá bán điện trong năm 2011, số lỗ của EVN lên tới 5,297 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính đến thu nhập lãi tiền gửi, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần phát điện, cho thuê cột điện... khoản lỗ năm 2011 của EVN chỉ còn 3.181 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2011 của EVN bị lỗ được ngành điện lý giải là do diễn biến thủy văn không thuận lợi, điều này đã ảnh hưởng đến tình hình phát điện và cung ứng điện cho các tháng mùa khô 2011. Ngoài ra, do biến động tỷ giá hối đoái và biến động giá nhiên liệu làm tăng chi phí, do tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có nhiều khó khăn làm nhu cầu sử dụng điện trong toàn hệ thống thấp, dẫn đến giá bán lẻ điện thực tế thực hiện thấp hơn so với kế hoạch.
Lãnh đạo Cục điều tiết điện lực cũng công bố những con số về tổng các khoản chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện đến hết 31/12/2011 là hơn 26.700 tỷ đồng, bao gồm: chênh lệch tỷ giá chưa được phân bổ là gần 26.700 tỷ đồng và chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn chưa được phân bổ là hơn 64 tỷ đồng.
Năm 2012, hoạt động kinh doanh có lãi từ thủy điện hơn 3.500 tỷ đồng nhưng số tiền trên sẽ bù cho các khoản lỗ của năm 2010 và 2011.
Theo ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc EVN, năm 2010, EVN lỗ 8.000 tỷ đồng, năm 2011 lỗ hơn 3.000 tỷ đồng. Năm 2012, EVN dự kiến sẽ bù lỗ cho các năm trước 3.500 -4.000 tỷ đồng.
Mặt khác, ông Tri cũng cho biết hiện doanh nghiệp này đang xem xét và làm các thủ tục cần thiết đề án phát hành trái phiếu thời gian từ 3-5 năm, tương ứng giá trị khoảng 9.000 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ trong việc mua bán điện.
Theo Hà Nội mới