Theo dự thảo này, Bộ Công thương đề xuất giá điện sinh hoạt sẽ gồm 6 bậc thang thay cho 7 bậc thang hiện nay và giá được tăng dần theo thứ tự bậc thang. Cụ thể, từ 0-50 kWh có mức giá không lớn hơn 80% mức giá bán lẻ điện bình quân và từ 0-100 kWh có mức giá không lớn hơn mức giá bán lẻ điện bình quân. Nếu sử dụng từ 101 kWh đến 200 kWh, mức điều chỉnh giá là 108% giá điện bình quân.
Hiện nay, khoảng này được chia thành hai nấc, từ 101 kWh đến 150 kWh, mức giá bán bằng 106% giá điện bình quân, từ 151 kWh đến 200 kWh, mức điều chỉnh lên đến 134% giá điện bình quân.
Khi khách hàng sử dụng từ 201-300 kWh, mức tính sẽ chỉ bằng 138% giá điện bình quân, giảm với so tỷ lệ 145% đang áp dụng và mức giá cho kWh thứ 301-400 sẽ là 154% giá điện bình quân, giảm nhẹ so với tỷ lệ 155% hiện nay.
Tuy nhiên, nếu trong 3 tháng liên tiếp, tổng lượng điện sử dụng của hộ đã đăng ký vượt quá 150 kWh thì tự động chuyển sang bậc thang thứ 2 và các bậc tiếp theo.
Các hộ sử dụng điện sinh hoạt khác áp dụng biểu giá từ bậc thang thứ 2 và các bậc tiếp theo. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt 30.000 đồng/hộ/tháng.
Về giá điện cho sản xuất, dự thảo quy định sẽ tăng thêm 2 - 7%, tùy mức điện áp và thời điểm sử dụng. Giá bán lẻ điện cho kinh doanh được đề xuất giảm 5% trong giờ bình thường, giảm 3% vào giờ thấp điểm và 8% vào giờ cao điểm cho các cấp điện áp, so với biểu giá bán lẻ điện hiện hành.
Trong dự thảo này Bộ Công Thương đã đề xuất áp giá điện riêng cho ngành sản xuất sắt thép, ximăng. Giá điện cho sản xuất sắt thép, ximăng sẽ cao hơn từ 2%-16%. Cụ thể, giá điện cho hai ngành này vào giờ bình thường và thấp điểm sẽ thấp hơn giá điện bình quân nhưng vào giờcao điểm được tính bằng 160%-187% giá điện bình quân, tùy theo cấp điện áp.
Theo Bộ Công Thương, việc tách riêng giá điện cho sản xuất sắt thép, ximăng là do hiện nay, các hộ kinh doanh đang phải trả giá điện rất cao so với ngành sản xuất này. Từ trước đến giờ, nhiều chuyên gia trong ngành vẫn khẳng định tăng giá điện đối với ngành thép và ximăng là cần thiết bởi vì, các ngành này phần lớn đang sử dụng công nghệ, thiết bị sản xuất rất lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện năng.