Xuất khẩu chè giảm cả khối lượng và giá trị
Theo số liệu báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông, khối lượng xuất khẩu chè tháng 8 năm 2015 ước đạt 13 nghìn tấn với giá trị đạt 21 triệu USD. Tính chung 8 tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu chè ước đạt 79 nghìn tấn với giá trị đạt 134 triệu USD, giảm 5,6% về khối lượng và giảm 4,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Giá chè xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2015 đạt 1.706 USD/tấn, tăng 2,86% so với cùng kỳ năm 2014.
Về thị trường xuất khẩu, trong 7 tháng đầu năm 2015 Pakistan vẫn là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam, chiếm 37,96% thị phần. Khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan tăng 15,11% về khối lượng và tăng 14,16% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng đột biến là Nga (tăng 23,88%), các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (gấp 2,05 lần) và Indonesia (tăng 21,09%).
Tại thị trường trong nước, giá chè Thái Nguyên không có biến động và tiếp tục giữ mức ổn định từ vài tháng qua.
Cụ thể, giá chè xanh búp khô giữ ở mức 130.000đ/kg, giá chè cành chất lượng cao vẫn giữ ở mức giá cao là 200.000đ/kg, chè xanh búp khô (đã sơ chế loại 1) có giá 150.000 đ/kg.
Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá chè nguyên liệu sản xuất trà xanh giữ nguyên ở mức 9.000 đ/kg của tháng trước, trong khi chè nguyên liệu sản xuất trà đen tăng nhẹ 500 đ/kg lên mức 4.500 đ/kg so với tháng trước.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp tại Lâm Đồng, khi tin thất thiệt về việc phát hiện nhiều lô hàng sản phẩm chè đen nhập khẩu từ Việt Nam có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quy định, trong thời gian vừa qua, giá chè đen đã giảm nhẹ.
Tuy nhiên, đến tháng 8, giá chè đen nguyên liệu tại Lâm Đồng có dấu hiệu nhích lên khi các lô hàng chè đen xuất khẩu của Lâm Đồng được phía Đài Loan công nhận đều đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Loanh quanh tìm thương hiệu cho chè Việt Nam
Trao đổi với Vinanet, ông Vũ Đại Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Chè Hoàng Mai (Hà Nội) cho hay, so với các nước trong khu vực, chè Việt Nam hiện nay đang có giá rẻ nhất thế giới, số lượng xuất khẩu cũng ngày càng giảm mạnh.
Thực tế, từ năm 2005 đến nay, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu chè thô, đóng số lượng bao lớn xuất sang các thị trường Trung Đông. Thặng dư không cao, thị trường, khách hàng chủ yếu mang tính chất ngắn hạn, không lâu dài.
Một trong những nguyên nhân theo ông Thắng là do chất lượng chè Việt Nam chưa cao, đa số các doanh nghiệp chế biến chè chưa có vùng nguyên liệu. Tại các vùng nguyên liệu, thu hái, chế biến chè và sản phẩm chè làm ra không theo quy chuẩn, phân cấp nào nên tiêu thụ nội tiêu và xuất khẩu đều chưa chủ động, giá bán chưa cao.
Đứng trước tình hình này, ông Thắng cho hay, Công ty TNHH Chè Hoàng Mai đang tìm cách kiểm soát chất lượng trong đó tập trung vào vùng nguyên liệu là chủ yếu.
“Chúng tôi đang tìm cách làm sao ra được chất lượng chè tốt nhất, đảm bảo về độ an toàn thực phẩm, y tế, sau đó tìm đến phân phối tại các siêu thị như Fivimark... Vừa qua chúng tôi đã triển khai nhưng hàng vẫn chưa theo kịp được thị trường thế giới”, ông Thắng cho hay.
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, theo ông Thắng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu chè ra nước ngoài nhưng vẫn gặp khó khăn về nguồn nhân lực, thương hiệu cũng như bao bì, mẫu mã sản phẩm.
Ông Thắng nói: “Doanh nghiệp chúng tôi đã làm việc với nhà phân phối nước ngoài để mở rộng thị trường nhưng hầu hết đối tác đều yêu cầu phải dùng thương hiệu của họ, họ mới đồng ý phân phối sản phẩm. Chúng tôi đang tìm cách làm ra các sản phẩm họ cần mà chỉ mình mới sản xuất được để mới ép họ phân phối bằng thương hiệu của mình”.
Ông Thắng cũng cho biết, Công ty TNHH Chè Hoàng Mai đang xây dựng thương hiệu, trong vòng 3-4 tháng nữa sẽ có sản phẩm chất lượng cao giới thiệu ra thị trường.
Ông Nguyễn Ngô Quyết, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên cũng cho hay, vấn đề ổn định và bảo đảm chất lượng là rào cản lớn nhất đối với sản phẩm chè Việt Nam khi xuất khẩu.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, chủ yếu xuất khẩu chè thô. Mặc dù sản lượng khá lớn nhưng giá trị đạt thấp, giá bán chỉ bằng 60-70% giá bình quân thế giới. Đối với một số thị trường khó tính như EU, Mỹ, hầu hết các doanh nghiệp không xâm nhập được hoặc xuất khẩu không đáng kể.
Theo Vinanet