Bạn đang ở đây

Gần 1.200 doanh nghiệp tham gia Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may

07/04/2017 07:45:10

Saigon Tex 2017 do Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty TNHH Tổ chức triển lãm VCCI, Công ty Tổ chức triển lãm CP HongKong, Công ty TNHH Tổ chức triển lãm CP Việt Nam phối hợp tổ chức.

Gần 1.200 DN đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Mỹ, Anh Quốc… tham gia triển lãm về thiết bị và nguyên phụ liệu mới nhất của ngành dệt may.

Ngoài trưng bày thiết bị và nguyên phụ liệu, triển lãm còn tổ chức các buổi hội thảo quốc tế về ngành công nghiệp dệp may như: Nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm dệt may của Việt Nam bằng việc thay đổi phương thức sản xuất từ CMT sang FOB, từ FOB sang ODM; Những nền tảng mới của xu hướng thời trang xuân hè 2018; Những thách thức - cơ hội đầu tư cho ngành dệt may - da giày và rào cản thương mại từ các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU; Thị trường may mặc và thời trang toàn cầu hiện nay; Chiến lược Đại dương xanh trong ngành dệt may và Giới thiệu một số vật liệu dệt - công nghệ mới trong ngành dệt may hiện nay.

Nhiều thiết bị mới tham gia trưng bày tại Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may 2017

Bà Phạm Minh Hương - Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam - cho biết, Triển lãm Saigon Tex 2017 lần này sẽ giúp các DN có thêm nhiều thông tin và cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất mới nhất để định hướng đầu tư thêm nguồn nguyên phụ liệu và chủ động đáp ứng nhu cầu của khách mua hàng trong và ngoài nước, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần vào việc phát triển ngành dệt may Việt Nam hội nhập hiệu quả hơn với quốc tế.

Ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) - chia sẻ, tổng kim ngạch của ngành dệt may Việt Nam năm 2016 đã đạt 28,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2015. Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 23,6 tỷ USD, tăng 3,3%, xuất khẩu xơ sợi đạt khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 14,1% so với năm 2015.

“Dệt may là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất Việt Nam, tuy nhiên do phương thức sản xuất chủ yếu là gia công cho các đơn hàng nước ngoài nên tỷ lệ giá trị gia tăng không cao. Một trong những điểm yếu của ngành dệt may hiện nay là chúng ta chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may, dẫn đến lợi nhuận của ngành dệt may có giá trị gia tăng thấp so với các nước trên thế giới” - ông Phan Chí Dũng nhấn mạnh.