Thông tin từ Ủy ban châu Âu (EC) cho biết ông Karel de Gucht sẽ thăm Việt Nam, Campuchia và Myanmar từ ngày 17-20/3 và sẽ có các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo đồng cấp của ba nước này.
Hà Nội là điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm các nước ASEAN của ông De Gucht. Tại đây, ông sẽ gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhằm điểm lại các tiến bộ đã đạt được trong các vòng đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (FTA) giữa hai bên.
Vòng đàm phán thứ 7 FTA EU-Việt Nam sẽ diễn ra tại Hà Nội từ 17-21/3. Hai bên hy vọng sẽ mau chóng kết thúc đàm phán để doanh nghiệp hai bên có thể hưởng lợi từ hiệp định thương mại đầy tham vọng này. Một khi hiệp định thành hiện thực, mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU sẽ mở ra nhiều triển vọng cho doanh nghiệp hai bên. Đàm phán FTA Việt Nam-EU được khởi động từ tháng 6/2012. Việt Nam là quốc gia thứ ba của ASEAN đàm phán FTA với EU sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
FTA Việt Nam-EU bao gồm các lĩnh vực thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư, thị trường công, quyền sở hữu trí tuệ (bao gồm chỉ dẫn địa lý), hàng rào thuế quan, kiểm dịch động thực vật và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các trở ngại kỹ thuật trong thương mại, hợp tác hải quan, thương mại và phát triển bền vững. Mối quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam ngày càng được củng cố và phát triển.
Năm 2013, Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ tư của EU trong khối ASEAN. Năm 2012, trao đổi hai chiều đạt gần 24 tỷ euro, trong đó xuất khẩu từ EU sang Việt Nam đạt 5,3 tỷ euro và xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 18 tỷ euro.
EU là một trong những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài chính của Việt Nam với mức cam kết lên đến 1,37 tỷ euro. EU xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm công nghệ cao, máy móc, thiết bị điện tử, máy bay, xe đạp, dược phẩm, sắt, thép và nhập khẩu từ Việt Nam thiết bị điện thoại di động, sản phẩm điện tử, giày dép, sản phẩm dệt may, càphê, gạo, hải sản, đồ gỗ.
Tại Campuchia, ông De Gucht sẽ gặp người đồng cấp Sun Chanthol, Bộ trưởng Thương mại. Hai bên sẽ thảo luận về công việc của Ủy ban hỗn hợp EU-Campuchia vừa mới được thành lập.
Là một trong những quốc gia kém phát triển, Campuchia được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GPS) của EU. Quy chế này dành cho 49 quốc gia kém phát triển nhất được miễn thuế xuất khẩu các mặt hàng vào EU, trừ vũ khí và đạn dược.
Trao đổi thương mại giữa EU và Campuchia đạt 2,8 tỷ euro trong năm 2013 so với 2,1 tỷ năm 2012. Xuất khẩu của Campuchia sang EU tăng 30% trong năm 2013 đạt 2,4 tỷ euro chủ yếu là hàng dệt may (68,8%), giày dép (12,9%), xe đạp (10,3%), gạo (5,2%), đường kính (1,6%). EU cũng là thị trường xuất khẩu chính của Campuchia, trừ hàng may măc.
Trong chuyến thăm đầu tiên của mình tới Myanmar, ông De Gucht sẽ gặp Bộ trưởng Quy hoạch và Phát triển kinh tế quốc gia Kan Zaw và Bộ trưởng Thương mại Win Myint để khởi động vòng đàm phán Hiệp định EU-Myanmar về bảo hộ đầu tư, sau khi nối lại quy chế "Mọi thứ trừ vũ khí" với Myanmar kể từ tháng 6/2013.
Bên cạnh đó, ông cũng có cuộc gặp với bà Daw Aung San Suu Kyi, thủ lĩnh Đảng đối thủ Liên minh quốc gia vì Dân chủ (NLD). Cũng như Campuchia, Myanmar được hưởng Quy chế thuế quan phổ cập (GPS) của EU.
Trao đổi thương mại song phương EU-Myanmar đạt 569 triệu euro năm 2013 so với 403 triệu năm 2012 (+41%). Xuất khẩu của Myanmar sang EU cũng tăng 35% năm 2012 đạt 223 triệu euro so với 165 triệu năm 2012, chủ yếu là đồ may mặc (66,9%), hải sản (8%), gạo (44,4%). Myanmar cũng nối lại xuất khẩu đá quý và sản phẩm gỗ sang EU với tỷ lệ lần lượt là 11,7% và 7,8%.
"Tôi rất vui về triển vọng đàm phán mang tính xây dựng với các đối tác ASEAN. Thực tế cho thấy việc mở cửa thương mại sẽ giúp các nước năng động này cải thiện mức sống của người dân. Bên cạnh đó, thị trường cũng tạo cơ hội cho các nhà đầu tư châu Âu với mục đích cả hai bên cùng có lợi," ủy viên De Gucht cho biết.
Theo Báo Công Thương