Cơ hội mới cho doanh nghiệp
Trước đây, để thực hiện quy trình xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O, các doanh nghiệp phải chuẩn bị hồ sơ mang lên các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương. Hồ sơ hoàn chỉnh thì việc cấp C/O sẽ được tiến hành nhanh nhất sau một ngày. Còn nếu chưa hoàn thiện, doanh nghiệp sẽ phải mang về bổ sung và lặp lại quy trình nộp như trên. Việc đi lại, in ấn đòi hỏi nhiều thời gian, chí phí, gián tiếp làm giảm cơ hội kinh doanh và tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử mức độ 4 eCosys là một hệ thống dịch vụ công online của Bộ Công Thương. Khi tham gia Hệ thống, doanh nghiệp chỉ cần truy cập theo địa chỉ www.ecosys.gov.vn là có thể thực hiện truyền dữ liệu điện tử xin cấp C/O cho hàng hóa tới các phòng quản lý Xuất nhập khẩu. Hệ thống đồng thời cho phép các phòng Quản lý Xuất nhập khẩu duyệt và phản hồi hồ sơ của doanh nghiệp trước khi doanh nghiệp mang bộ hồ sơ gốc đến để đối chiếu, giao dịch tại nơi cấp C/O. Qua đó mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc khai báo, giảm thiểu thời gian xử lý và cấp phép hồ sơ.
Giao diện Hệ thống Quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử eCoSys |
Hệ thống eCoSys được xây dựng trên công nghệ web-based. Khi doanh nghiệp tiến hành khai báo trên Hệ thống, dữ liệu được ký bằng chữ ký số trước khi truyền đi trên môi trường mạng. Với hạ tầng khóa công khai, eCoSys đảm bảo tính an toàn, toàn vẹn và xác thực của toàn bộ dữ liệu điện tử trên hệ thống.
Số liệu thống kê cho thấy, đến thời điểm hiện tại, có khoảng 11.000 doanh nghiệp tham gia Hệ thống. Số lượng C/O được duyệt điện tử và cấp phép năm 2013 là 274.562, năm 2014 lên đến 449.353 hồ sơ.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, trong thời gian qua ngành Hải quan cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương để đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó có việc ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để phục vụ các công việc nghiệp vụ Hải quan nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Thời gian tới, việc tham gia tích cực của các Bộ, ngành liên quan đến quy trình quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu có ý nghĩa rất quan trọng trong cơ chế Một cửa Quốc gia. Việc cắt giảm thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước; minh bạch và công khai hóa việc thực hiện thủ tục hành chính, tạo tiền đề để Việt Nam tham gia vào cơ chế Một cửa ASEAN vào năm 2016.
Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam |
Đồng tình với ý kiến trên, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đại diện cho các doanh nghiệp, Hiệp hội, ngành hàng khẳng định, việc công bố Quy trình thí điểm cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet chính là một trong những bước để tiến tới việc thực hiện Chính phủ điện tử, là động lực để thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý Nhà nước. Các doanh nghiệp sẽ luôn luôn đồng hành và sẵn sàng tiên phong thực hiện các quy trình thí điểm này để cùng các cơ quan quản lý hoàn thiện quy trình, đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế và xuất khẩu.
Đánh giá về tính năng của Hệ thống eCoSys, ông Nguyễn Công Đạt, Công ty TNHH Dệt Hà Nam cho biết: Hệ thống eCoSys hoạt động tương thích trên cả 3 màn hình là máy tính cá nhân, máy tính bảng và thiết bị di động; cùng với quy trình khai báo rõ ràng, đơn giản và thuận tiện, doanh nghiệp có thể thực hiện khai báo C/O nhanh chóng, thao tác ít hơn mà không bị phụ thuộc vào thời gian và không gian. Qua đó tiết kiệm chi phí và dễ dàng giám sát, quản lý tình hình xuất khẩu của đơn vị. Hệ thống eCoSys là một trong những dịch vụ công đầu tiên ứng dụng công nghệ chữ ký số đảm bảo tính xác thực cho các giao dịch trực tuyến, các doanh nghiệp sớm tiếp xúc với công nghệ mới sẽ tránh được những rủi ro trong kinh doanh khi giao tiếp với các đối tác nước ngoài, thường phát sinh do sự thiếu hiểu biết về công nghệ, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bước ngoặt trong công tác cải cách hành chính
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh |
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập, cải cách hành chính là nội dung được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, triệt để và xuyên suốt của Chính phủ. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai cơ chế một cửa quốc gia, vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4082/QĐ-BCT về việc thực hiện thí điểm cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet. Việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet là một nỗ lực to lớn của Bộ Công Thương trong cải cánh hành chính, nâng cao hiệu quả điều hành và đặc biệt hướng tới thực hiện mục tiêu Chính phủ điện tử, mang lại kết quả, chất lượng tốt hơn nữa phục vụ cho các tổ chức, xã hội, doanh nghiệp cũng như người dân.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh; ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập Khẩu; ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, cùng đại diện Bộ, ngành, doanh nghiệp bấm nút khai khai trương quy trình thí điểm cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet của Bộ Công Thương |
Đây cũng là bước ngoặt trong công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương nhằm minh bạch hóa các giấy tờ thủ tục, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí và hạn chế tình trạng tiêu cực khi phải làm các thủ tục xin giấy chứng nhận xuất xứ, cho các sản phẩm, nhất là các sản phẩm xuất khẩu. Đây cũng là nội dung quan trọng để tham gia Cơ chế Một cửa ASEAN, thể hiện cam kết của Việt Nam về hội nhập với khu vực trong bối cảnh các nước ASEAN đang đẩy nhanh quá trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Để thực hiện thành công quá trình triển khai cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các Bộ, ngành và doanh nghiệp. Quá trình quản lý và vận hành hệ thống cần đảm bảo được sự ổn định, kết nối thông suốt, đồng thời xử lý kịp thời các sự cố xảy ra. "Cộng đồng doanh nghiệp cần hưởng ứng những yếu tố tích cực, nắm bắt được ý nghĩa của việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet của Bộ Công Thương, từ đó có biện pháp và hoạt động cụ thể để tham gia kết nối cơ chế này nhằm nâng cao tính cạnh tranh, năng lực của doanh nghiệp”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh thêm.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hơn nữa hiệu quả trong quản lý Nhà nước nói chung và trong hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cấp phép các C/O cũng như các thủ tục xuất nhập khẩu khác của Bộ Công Thương để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương