Đồng chí Đỗ Nhân Đạo - Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh thăm mô hình sản xuất than sinh học tại Hợp tác xã Thành Long (Yên Bình).
|
P.V: Ông có thể đánh giá đôi nét về những kết quả mà kinh tế tập thể đã đạt được trong nhiệm kỳ qua?
Ông Đỗ Nhân Đạo: Nhiệm kỳ qua là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tập thể, do chịu ảnh hưởng tác động nặng nề của suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhưng sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ngành, địa phương; sự chỉ đạo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và sự nỗ lực của cán bộ, xã viên, người lao động trong tổ chức liên minh hợp tác xã và các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp thành viên.
Đặc biệt là sự cố gắng của Liên minh HTX tỉnh Yên Bái trong việc đổi mới lề lối làm việc, bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nghị quyết liên minh các cấp, chủ động đề xuất, tham mưu với cấp ủy, chính quyền triển khai các chủ trương, chính sách mới, tích cực tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể; đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ các HTX, doanh nghiệp thành viên khắc phục khó khăn… đã tạo điều kiện để khu vực kinh tế tập thể phát triển.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 2.500 tổ hợp tác và 321 HTX (138 HTX được thành lập mới trong nhiệm kỳ, tăng 14,2%) với hơn 60.000 người tham gia. Đánh giá cho thấy, các tổ hợp tác là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế hộ phát triển qua việc tạo mối liên kết, hợp tác hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, thị trường, giải quyết được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên. Còn các HTX đã tích cực góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và điều hoà các quan hệ sở hữu và lợi ích kinh tế; đóng góp đáng kể vào GDP và ngân sách của tỉnh, nhất là đối với chương trình xây dựng xây dựng nông thôn mới…
- Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhìn nhận lại, kinh tế tập thể vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém?
Đúng như vậy, thực tế cho thấy hoạt động của các tổ hợp tác ở ta vẫn còn mang tính tự phát, hoạt động không ổn định. Còn các HTX hầu hết quy mô nhỏ, cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ sản xuất còn lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm, mẫu mã chưa đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, sức cạnh tranh chưa cao. Bên cạnh đó, việc giải quyết các chế độ xã hội cho người lao động còn hạn chế; còn một số HTX hoạt động chưa đúng với nguyên tắc và bản chất của HTX; tổ chức Đảng, đoàn thể trong HTX chưa được phát triển rộng...
- Nguyên nhân của tình trạng đó là gì? Những bài học kinh nghiệm rút ra?
Về chủ quan, do năng lực nội tại của các HTX còn yếu, vẫn còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; hơn thế, trình độ cán bộ quản lý của các HTX còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý. Về khách quan, mặc dù Đảng và Nhà nước đã khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tập thể nhưng việc triển khai các chủ trương, chính sách, văn bản hướng dẫn đối với các HTX vẫn chưa được triệt để, kịp thời; các chính sách khuyến khích đối với các HTX chưa được các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể để các HTX tiếp cận và thực hiện. Trong đó, một số ngành và địa phương chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ hợp tác, HTX phát triển…
Từ hoạt động thực tiễn trong nhiệm kỳ qua, trên cơ sở những thành công và hạn chế, Liên minh HTX tỉnh Yên Bái đã rút ra một số bài học kinh nghiệm đối với phong trào phát triển kinh tế tập thể của tỉnh. Đó là: sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển của kinh tế tập thể.
Bên cạnh việc bản thân các HTX phải thực sự nỗ lực, tự vươn lên để tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả; các HTX phải chọn được đội ngũ cán bộ quản lý thực sự có năng lực trong quản lý điều hành, năng động, sáng tạo, tâm huyết gắn bó lâu dài với HTX. Cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến sâu rộng để nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, Liên minh HTX tỉnh phải làm tốt chức năng tham mưu, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác theo hướng “đi sâu, đi sát” gắn bó chặt chẽ với các thành viên…
- Khẩu hiệu của Đại hội lần này là “Hợp tác, đổi mới, phát triển bền vững”. Để tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, những giải pháp mà Liên minh đề ra trong nhiệm kỳ Đại hội này như thế nào, thưa ông?
Để nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác và HTX, mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2018 thu hút trên 30.000 lao động tham gia, bình quân mỗi năm thành lập mới từ 15 - 20 HTX, tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả đạt từ 60% trở lên…, Liên minh HTX tỉnh Yên Bái xác định phương hướng và các nhiệm vụ chính trong 5 năm tới. Đó là: trước tiên phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động, thực hiện các giải pháp để củng cố, phát triển HTX, thu hút thành viên, nhất là các mô hình mới.
Đồng thời phải làm tốt công tác đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các thành viên thông qua việc hướng dẫn các HTX thực hiện đúng các nguyên tắc của Luật HTX; tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình phát hiện những khó khăn, vướng mắc, nguyện vọng chính đáng của thành viên, từ đó phản ánh, đề xuất với các ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ.
Bên cạnh đó, làm tốt các hoạt động hỗ trợ các thành viên như: tư vấn, hỗ trợ pháp lý, vốn, đào tạo, thông tin thị trường, khoa học công nghệ, thương hiệu và mẫu mã sản phẩm…; tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố trong việc chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể; tiếp tục phát động và tổ chức các đợt thi đua, gắn thi đua, khen thưởng gắn với phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống cho thành viên và người lao động, đề cao các giá trị văn hoá, tính nhân văn của HTX; đồng thời tổng kết các mô hình, điển hình tiên tiến làm nòng cốt cho phong trào… từ đó giúp kinh tế tập thể ngày càng phát triển bền vững, góp phần xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng giàu mạnh.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo YBĐT