Bạn đang ở đây

Đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài: Giảm trung gian, tăng lợi nhuận

10/05/2018 10:44:14
 
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội thảo

Lãnh đạo, đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía Bắc cùng các hiệp hội ngành hàng và khoảng 180 DN xuất khẩu (XK) Việt Nam đã tham gia hội thảo.

Cơ hội lớn cho DN xuất khẩu

Theo Bộ Công Thương, từ đầu những năm 2000, thị trường phân phối tại Việt Nam bắt đầu được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm mà mở đầu là các nước châu Âu như Đức với Metro hay Pháp với Tập đoàn Bourbon. Cũng từ đó, các DN XK Việt Nam bắt đầu tiếp cận trực tiếp để bán hàng vào các hệ thống phân phối của nước ngoài ở Việt Nam. Trước đó, hàng Việt Nam tuy XK đi khắp nơi trên thế giới nhưng thường XK qua trung gian hoặc các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp. Thực tế cho thấy, tỷ lệ XK trực tiếp cho các mạng lưới phân phối trong các ngành hàng chủ lực của Việt Nam như đồ gỗ, dệt may, da giày chiếm tỷ lệ rất thấp cả về số DN và giá trị kim ngạch.

Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Công Thương bắt đầu hình thành ý tưởng kết nối giữa những hệ thống phân phối nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam với chính những DN XK để trực tiếp đưa hàng vào hệ thống của họ tại thị trường châu Âu. Hoạt động này sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 phía. Đối với các DN Việt Nam, trực tiếp tham gia mạng phân phối sẽ nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, học được cách quản lý chất lượng tiên tiến nhằm đảm bảo đủ tiêu chuẩn XK cho các hãng hàng đầu thế giới, đồng thời có điều kiện để phát triển thương hiệu. Đối với các chuỗi phân phối, việc tiếp xúc trực tiếp với các DN Việt Nam giúp phát triển phong phú thêm về nguồn hàng, tạo điều kiện kiểm soát tốt hơn chất lượng hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản cần quản lý chất lượng tận gốc. Thêm vào đó, cả hai bên đều có lợi về giá thông qua giảm chi phí trung gian.

Các hoạt động đầu tiên để thực hiện ý tưởng này là tổ chức các tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài. Từ lần đầu tổ chức năm 2011 tại hệ thống siêu thị Casino (Pháp), đến nay, tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài đã được tổ chức tại các hệ thống khác như Metro, Segros (Pháp); Lotte, Emart (Hàn Quốc); AEON (Nhật Bản); Auchan, Carrefour (Pháp), Central Group (Thái Lan)…

Hiệu quả từ các tuần hàng Việt Nam được tổ chức ở hệ thống phân phối nước ngoài là rất lớn. Ông Shiotani Yuichiro - Tổng giám đốc AEON Topvalu cho biết, năm 2016, AEON đã nhập 200 triệu USD hàng hóa của Việt Nam để XK qua hệ thống siêu thị khắp thế giới. Phát huy những kết quả này, năm 2018, tuần hàng Việt Nam tại siêu thị AEON sẽ tiếp tục được tổ chức vào tháng 7 và tháng 9 tới.

Đông đảo cơ quan Nhà nước, địa phương, hiệp hội, ngành hàng, DN... tham gia buổi hội thảo

Bà Lê Thị Mai Linh - Phó Chủ tịch điều hành Quan hệ đối ngoại và Truyền thông Tập đoàn Central Group Việt Nam cho biết, là một nhà bán lẻ, Central Group hiểu rằng với hệ thống mạng lưới phân phối rộng khắp ở Việt Nam và nước ngoài, khả năng của tập đoàn trong việc hỗ trợ các DN ổn định thị trường tiêu thụ, tìm kiếm cơ hội XK ra nước ngoài là rất lớn. Do đó, thời gian qua, tập đoàn đã đẩy mạnh hỗ trợ các DN nhỏ và vừa về thông tin thị trường, sản phẩm, chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm… 2 năm liên tiếp (2016 - 2017), Central Group đã ký kết văn bản ghi nhớ với Bộ Công Thương để tổ chức tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan. Năm nay, ngoài việc quảng bá cho hàng hóa Việt Nam, Central Group còn hỗ trợ quảng bá du lịch Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Khẳng định tầm quan trọng của hoạt động này, tuần hàng Việt Nam tại chuỗi siêu thị Central Group (Thái Lan) năm 2017 đã vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến tham dự lễ khai mạc. Tại “Hội nghị thúc đẩy XK” được tổ chức vào tháng 4/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh, Bộ Công Thương cần tăng cường phối hợp với các nhà phân phối bán lẻ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào hệ thống phân phối trên thế giới”.

Cùng với việc tổ chức các tuần hàng, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án “Thúc đẩy các DN Việt Nam trực tiếp tham gia hệ thống phân phối nước ngoài đến năm 2020”. Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện đề án, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như tập huấn cho DN, tổ chức các tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài… để tạo cơ hội giao thương cho DN. Các mặt hàng được hỗ trợ trong khuôn khổ đề án là dệt may, da giày, thủy sản, nông sản (cà phê, gạo, chè), đồ gỗ.

DN giữ vai trò cốt lõi

Khẳng định tầm quan trọng của hoạt động này, nhưng bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) cũng khẳng định đây là chương trình mới, khó, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía. Đặc biệt, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước là sẵn sàng nhưng quan trọng hơn là sự vào cuộc của DN.

“Cái khó nhất hiện nay là thiếu đội ngũ DN đủ mạnh để tiếp cận hệ thống phân phối nước ngoài. Hiện nay, lực lượng DN của nước ta chủ yếu là DN vừa và nhỏ, vốn ít, năng lực cạnh tranh còn kém. Với hàng rào kỹ thuật cao, nhiều quy định đòi hỏi DN phải đầu tư lớn, nếu không có sự đầu tư và cam kết lâu dài, DN không thể đáp ứng được đầy đủ ngay tức khắc yêu cầu của nhà phân phối” - bà Nguyễn Thị Mai Anh cho hay.

Để hỗ trợ DN nâng cao sức cạnh tranh, ngay trong năm 2018, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, thương vụ tại các nước và các DN Việt Nam thực hiện một số hoạt động như hội thảo triển khai đề án tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Tuần hàng Việt Nam tại Italia, Philippines và Thái Lan; Tuần hàng Việt Nam tại Manila (Philippines), Thái Lan; hỗ trợ Trung tâm HPA tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại siêu thị AEON và Tuần hàng nông sản Việt Nam 2018 tại Chợ đầu mối Rungis (Pháp)…

Đặc biệt, ngay sau khóa tập huấn này, các DN có cơ hội kết nối với bộ phận thu mua của của các tập đoàn phân phối Central Group, AEON và Chợ đầu mối Rungis để tìm kiếm cơ hội trở thành nhà cung cấp lâu dài và bền vững.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, vai trò quan trọng nhất trong việc đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài là của DN. Do đó, Bộ Công Thương kêu gọi sự phối hợp và đồng hành từ DN, các nhà phân phối hiện đại nhằm tham gia và triển khai đề án một cách đồng bộ, cùng đem lại lợi ích cho các bên. DN cần nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa; tìm hiểu thông tin thị trường; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá, đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài ổn định và bền vững hơn.

Hội thảo đã nhận được sự phối hợp và đồng hành tổ chức từ Tổng Công ty cổ phần Bia- Rượu- Nước giải khát Hà Nội (HABECO).

Nguồn: Báo Công thương