Bạn đang ở đây

Dự báo CPI tháng 3 tăng nhẹ

29/02/2016 08:50:08

Theo Tổ Điều hành thị trường trong nước, thị trường hàng hóa trong dịp Tết ổn định là do công tác chuẩn bị dự trữ hàng bình ổn được doanh nghiệp và các đơn vị thực hiện tốt, sức mua không tăng cao; tâm lý người tiêu dùng đã thay đổi không còn tâm lý mua hàng dự trữ.

Cụ thể, trong dịp Tết Nguyên đán đã có 57/63 địa phương thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường. Ngoài lượng hàng dự trữ được vay vốn ưu đãi nhằm ổn định thị trường, nhiều doanh nghiệp, địa phương đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ lên 10-15% so với dịp Tết năm ngoái. Bên cạnh công tác chuẩn bị nguồn hàng, nhiều địa phương tiếp tục chú trọng đến công tác đưa hàng về nông thôn, các khu công nghiệp, các xã huyện vùng sâu, vùng xa, vùng huyện đảo để phục vụ bà con.

Để kích cầu tiêu dùng, tạo thế cạnh tranh, trong dịp Tết nhiều Chương trình khuyến mại giảm giá liên tục được các doanh nghiệp đồng loạt áp dụng. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, tại các đô thị, các mặt hàng Tết, nhất là hàng đặc sản vùng miền, hàng nhập khẩu… được mua bán qua các hình thức đa dạng như điện thoại, internet, giao hàng tại nhà… nên phục vụ khá tốt nhu cầu của người dân. Do nguồn cung hàng hóa dồi dào, nhiều siêu thị đã kéo dài thời gian phục vụ đến chiều tối 29 và mở cửa lại vào ngày mùng 1 Tết, một số siêu thị đã không nghỉ Tết. Công tác thông tin về địa điểm, thời gian phục vụ của các siêu thị này cũng được quảng bá để người dân biết nên đã góp phần hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân như trước kia, do đó thị trường hàng hóa khá ổn định không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá.

Mặc dù kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa rõ rệt nên người dân vẫn tiết kiệm chi tiêu, sức mua không tăng cao cộng với tháng 2 chỉ có 29 ngày nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 2 đạt 287.962 tỷ đồng, giảm 3,7% so với tháng trước. Tuy vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt 586.968 tỷ đồng, tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 2 tháng vẫn tăng 8,6%.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 02 tăng 0,42% so với tháng 01, tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (1,98%), tiếp đến là nhóm đồ uống, thuốc lá. Đây là những nhóm hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết; các nhóm khác chỉ tăng từ 0,03-0,8%. Như vậy, bình quân 2 tháng đầu năm 2016, CPI tăng 1,03% so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh yếu tố tăng CPI do đây là dịp có cả Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán khiến một số mặt hàng tăng thì nhóm giáo dục lại đóng góp mức tăng cao nhất (tăng 3,36%) do cuối năm 2015, đầu 2016 một số tỉnh đã tăng học phí các cấp theo lộ trình.

Dự báo trong thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ dần trở lại bình thường, một số nhóm hàng thực phẩm và nhóm giao thông sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, do một số loại hàng hóa dịch vụ do nhà nhà nước quản lý giá tăng theo lộ trình (như giá dịch vụ y tế, giáo dục, điện…) nên chỉ số giá tháng 3 được dự báo sẽ tăng nhẹ so với tháng 2 (có dự báo tăng khoảng 0,7-1,0%). 

Theo Báo Công Thương