Bạn đang ở đây

Đồng ý tạm dừng áp thuế xuất khẩu sắn lát

04/09/2015 07:42:45

Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính căn cứ Điều 11 Nghị định 87/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 19/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, để xử lý cụ thể về thuế xuất khẩu đối với mặt hàng sắn theo thẩm quyền, đảm bảo phù hợp với thực tế và khuyến khích sản xuất, tiêu thụ sắn.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và dựa trên những kiến nghị của Hiệp hội Nhiên liệu sinh học, Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu sắn lát từ 0% lên 5% từ 20/6/2015.

Một thời gian sau khi thuế suất mới có hiệu lực, Bộ Tài chính liên tục nhận được phản hồi từ phía tập thể các doanh nghiệp xuất khẩu sắn lát, một số cá nhân với nội dung chính là mức thuế 5% cao ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ nguyên liệu và trồng sắn của người nông dân. Bên cạnh đó, việc thời gian tăng thuế quá nhanh dẫn đến lượng tồn kho lớn.

Ngay sau khi nhận được những phản ánh này, ngày 23/6/2015, Bộ Tài chính đã nhóm họp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Sắn, Hiệp hội Nhiên liệu sinh học và 14 doanh nghiệp xuất khẩu sắn lát để bàn hướng tháo gỡ.

Đồng thời, Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cũng đã tổ chức khảo sát tại Bình Định và Gia Lai - 2 địa bàn có lượng tồn kho lớn để tìm hiểu thực tế. Từ đó, Bộ Tài chính đã chính thức trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp - người nông dân, đặc biệt là lợi ích của người nông dân.

Biện pháp trước mắt, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm dừng thực hiện Thông tư số 63 để tháo gỡ khó khăn ngay cho doanh nghiệp và người dân trồng sắn đối với vụ mùa năm nay.

Theo Bộ Tài chính, căn cứ vào mức giá xuất khẩu bình quân của năm 2015 là 225 USD/tấn tương đương 4.905 đồng/kg, mức giá thu mua là 4.889 đồng/kg thì lợi nhuận bình quân thu lại chỉ là 16 đồng/kg (tức 16.000 đồng/tấn). Với lợi nhuận này, nếu chịu thêm thuế xuất khẩu 5%, doanh nghiệp sẽ lỗ 229.500 đồng/tấn.

Điều này, Bộ Tài chính đã tính đến khi đưa ra quyết định tăng thuế, tuy nhiên, với mức giá tại thời điểm đó, doanh nghiệp vẫn lãi tới 324.192 đồng/tấn nếu chịu thuế 5%.

Nhìn lại số liệu có thể thấy, giá thu mua sắn khi đó chỉ 4.300 đồng/kg (thấp hơn hiện tại 589 đồng) còn giá xuất khẩu chỉ thấp hơn hiện tại không đáng kể, chủ yếu do sự tác động của tỷ giá. Điều đó đã khiến số lãi của doanh nghiệp bị tác động mạnh dẫn đến hệ quả là lỗ nếu cộng thuế xuất khẩu.

Ở một khía cạnh khác, hiện nay, tổng sản lượng sản xuất sắn tươi của Việt Nam khoảng trên 12 triệu tấn (5,2 triệu tấn sắn lát khô) và khoảng 1,2 triệu tấn sắn lát khô nhập khẩu từ Campuchia, Lào.

Mỗi năm, nhu cầu trong nước sử dụng khoảng 7 triệu tấn sắn tươi để sản xuất tinh bột; 0,7 triệu tấn sắn khô để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản; 0,15 triệu tấn sắn khô cho sản xuất cồn ethanol và xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn sắn khô.

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 50 công ty xuất khẩu sắn lát. Tính đến 15/6/2015, tổng sản lượng sắn lát khô xuất khẩu là 1,5 triệu tấn. Như vậy, với sản lượng trung bình hàng năm xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn thì cả nước hiện nay tồn kho khoảng 500.000 tấn sắn lát khô. Bên cạnh đó, mùa mưa đang tới, tỷ lệ hao hụt sẽ tăng do hàng bị nấm mốc, giảm chất lượng.

Bộ Tài chính nhận định rằng, lượng tồn kho này nếu xuất khẩu sẽ lỗ và doanh nghiệp xuất khẩu sẽ giảm giá cũng như lượng thu mua đối với sản lượng đang trồng vụ này của người nông dân.

Như vậy, về tổng thể, đề xuất của Bộ Tài chính về việc dừng thực hiện Thông tư số 63 sẽ giải quyết khó khăn ngay cho các doanh nghiệp xuất khẩu sắn lát và cả người dân trồng sắn.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, bên cạnh việc dừng áp thuế 5%, về lâu dài, Bộ Tài chính cũng dự kiến sửa đổi Thông tư số 63 theo hướng áp dụng mức thuế xuất khẩu sắn lát là 1% hoặc 2% kể từ ngày 1/1/2016. Bộ Tài chính cho rằng, dù tính thuế 1% hay 2%, doanh nghiệp vẫn sẽ lỗ nhưng giải pháp này cần tính đến để doanh nghiệp xuất khẩu phải tính toán cân đối lại các chi phí liên quan, giá thu mua sắn từ người nông dân và giá xuất khẩu sắn.

Sau khi có Thông tư sửa đổi Thông tư số 63, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi để có lộ trình tăng dần mức thuế suất thuế xuất khẩu cho phù hợp với lộ trình áp dụng xăng sinh học và tình hình thực tế về sản xuất, tiêu thụ sắn trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp - người nông dân trồng sắn.

Theo Báo Hải quan