Bạn đang ở đây

Đơn vị nòng cốt trong công tác chống hàng giả

18/10/2011 10:10:42

Việc thành lập Đội xuất phát từ yêu cầu cần phải kiểm soát, đẩy lùi nạn sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn tỉnh với một lực lượng chuyên trách, chính quy. UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 127/ĐP đã giao nhiệm vụ cho Đội phải làm thế nào để là “đơn vị nòng cốt trong công tác chống hàng giả, là đầu mối cung cấp thông tin và hướng dẫn nghiệp vụ cho các đội quản lý thị trường địa bàn”. Để thực hiện được điều đó, Đội cần phải có những cán bộ tinh thông về nghiệp vụ, nhanh nhạy về thị trường, có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng đồng thời phải có những điều kiện nhất định về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác kiểm định hàng hoá.

Với 5 cán bộ tuổi đời còn trẻ, tốt nghiệp đại học các chuyên ngành tài chính, thương mại, hải quan đã kinh qua thực tế công tác chống hàng giả từ địa bàn, Đội Chống hàng giả sớm tham gia vào Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), kết nối với nhiều doanh nghiệp có thương hiệu lớn để trao đổi thông tin về tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả trên thị trường, củng cố tài liệu phục vụ công tác.

Một mặt, Đội phân công cán bộ xuống địa bàn, nhất là địa bàn các xã vùng cao, vùng xa và các điểm phân phối lớn, phối hợp với các đội quản lý thị trường địa bàn để nắm tình hình và tổ chức nhân mối thông tin.

Nhờ vậy, chỉ sau vài tháng hoạt động, Đội đã bắt giữ, xử lý được nhiều vụ hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đến nay, Đội đã kiểm tra, xử lý 92 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận trong kinh doanh thương mại, phạt hành chính 158,9 triệu đồng; bán hàng tịch thu 213 triệu đồng, tiêu huỷ nhiều mặt hàng giả có trị giá lên tới 95 triệu đồng.

Đáng nói, trong số hàng hoá tịch thu tiêu huỷ có nhiều mặt hàng giả gây hại cho sức khoẻ con người đã được bắt giữ như mỳ chính giả nhãn hiệu Ajinomoto, nước mắm giả nhãn hiệu Nam Ngư, bột giặt giả nhãn hiệu Omo, bình gas giả nhãn hiệu Thăng Long…

Điển hình, ngày 06/9/2011, qua trinh sát, Đội đã bắt quả tang bà Trương Thị Dịu, trú tại Sơn Cương, Thanh Ba, Phú Thọ đang giao hàng giả cho một số cửa hàng tại khu vực cổng Nhà máy sứ Km4, thành phố Yên Bái; khám phương tiện xe môtô biển kiểm soát 19U1- 8034, xác định nhiều mặt hàng giả mạo nhãn hiệu gồm: 168 chiếc bàn chải đánh răng giả nhãn hiệu PS Xsoft, 102 chiếc bàn chải đánh răng giả nhãn hiệu Double Care, 1.080 gói dầu gội đầu giả nhãn hiệu Clear, 60 chiếc bút bi giả nhãn hiệu Thiên Long cùng nhiều mặt hàng nhập lậu khác. Đội đã xử phạt bà Dịu số tiền 4.300.000 đồng, tịch thu tiêu huỷ toàn bộ số hàng trên.

Bên cạnh đó, Đội đã hỗ trợ cho các đội quản lý thị trường địa bàn về nghiệp vụ chống hàng giả, từ việc khâu nối thông tin, hướng dẫn nghiệp vụ nhận biết hàng giả cho tới quy trình xử lý. Nhờ vậy, hiệu quả công tác chống hàng giả trên địa bàn các huyện, thị, thành phố cũng được nâng cao.

Mặc dù đã thu được nhiều kết quả, song hoạt động chống hàng giả còn nhiều khó khăn. Thủ đoạn và phương thức làm hàng giả ngày càng tinh vi nhưng phương tiện kiểm tra như đèn tia cực tím, kính lúp, camera… chưa được trang bị. Đội hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh nhưng biên chế mỏng, lại không có phương tiện ôtô nên rất khó khăn khi triển khai ở các huyện xa. Mặt khác, không phải doanh nghiệp nào cũng hợp tác với lực lượng chức năng trong công tác chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu. Khả năng nhận biết hàng thật - hàng giả của người tiêu dùng còn hạn chế, dẫn đến việc khai thác nguồn tin từ nhân dân là rất khó.

Để khắc phục những khó khăn trên, ông Đào Mạnh Hùng - Đội trưởng Đội Chống hàng giả cho biết: “Trong thời gian tới, một mặt Đội sẽ đề xuất với Ban Chỉ đạo 127/ĐP và UBND tỉnh xem xét bổ sung biên chế, trang thiết bị phục vụ công tác. Mặt khác, Đội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tổ chức các gian hàng triển lãm hướng dẫn phân biệt hàng thật - hàng giả, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, tạo sức mạnh chung của cả cộng đồng đối với công tác xử lý, đẩy lùi nạn sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn tỉnh”.

Nguồn: QLTT-SCT