Chủ đề của Chương trình Đối thoại tập trung vào các vấn đề chính: Tính hình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; các chính sách mới về thu hút đầu tư vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; các đối tác đầu tư lớn tại Việt Nam và thị trường đầu tư ra trọng điểm của doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới.
Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết: Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đang tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thu hút được hơn 20.000 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt trên 280 tỷ USD. Cùng với đó, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài hơn 1.000 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 20,4 tỷ USD.
Theo thông tin của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài có nhiều cơ hội đột phá trong thời gian tới. Cơ sở đưa ra nhận định này là Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các FTA, TPP. Đặc biệt, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam thời gian qua đã có nhiều thay đổi, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh tại Việt Nam và cho các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, chế độ chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế được cải thiện, nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ tay nghề cao cũng tạo sức hút lớn cho nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.
Mặc dù cơ hội thu hút FDI vào Việt Nam và đầu tư Việt Nam ra nước ngoài đang rất lớn, song theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để thu hút được nguồn vốn FDI thực sự hiệu quả, rất cần có sự hỗ trợ xúc tiến đầu từ các tham tán thương mại, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Đây chính là một mắt xích quan trọng, giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam, quảng bá môi trường đầu tư Việt Nam đến với các nhà đầu tư quốc tế.
Đồng tình với quan điểm trên, Thứ tưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: Các Tham tán Thương mại không chỉ làm nhiệm vụ xúc tiến thương mại mà còn xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên, để xúc tiến đầu tư hiệu quả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên chủ động cung cấp thông tin về kết quả thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam. Thông tin về các chính sách mới, định hướng mới trong thu hút đầu tư, các thị trường thu hút đầu tư trọng điểm..., tạo điều kiện để các thương vụ làm nhiệm vụ quảng bá, xúc tiến đầu tư hiệu quả.
Ngoài vấn đề chủ động cung cấp thông tin, nhiều Tham tán Thương mại cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư theo hướng một cửa liên thông, tạo cơ chế thông thoáng cho nhà đầu tư muốn hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Báo Công Thương