Chứng nhận xuất xứ hàng hóa để hưởng lợi từ FTA
Theo ông Vương Đức Anh- Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - Bộ Công Thương đang thực hiện Dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN. Dự án nhằm tạo thuận lợi cho thương mại nội khối ASEAN, tăng cường hội nhập trong khu vực, đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu chi phí cho DN xuất khẩu; tối ưu hóa hiệu quả nguồn lực của Chính phủ đó là tiết kiệm nguồn nhân lực cấp C/O.
Nhìn nhận về lợi thế của quy tắc xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định tự do thương mại, GS. Deborah Elms- Trường Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) - cho hay, quy tắc xuất xứ thể hiện trên hóa đơn thương mại sẽ bảo đảm những nước tham gia hiệp định mới được hưởng lợi về thuế suất bằng 0. Nếu Việt Nam là thành viên trong các hiệp định thương mại thì chính DN Việt được hưởng ưu đãi chứ không phải DN của các nước không tham gia hiệp định được hưởng. Quy tắc xuất xứ có lợi cho mọi hiệp định vì có quy định rõ như thế nào thì được hưởng ưu đãi. Theo đó, có xuất xứ với từng mặt hàng, từng sản phẩm, sản phẩm càng phức tạp thì cấp giấy chứng nhận càng khó khăn hơn.
Cục Xuất nhập khẩu đang trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý trước khi chính thức cho phép DN tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Theo kế hoạch, mục tiêu về quy tắc xuất xứ hàng hóa sẽ tạo cơ chế thông thoáng, dễ thực hiện, nhưng có các chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng gian lận trong tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. |
Ở khía cạnh khác, đại diện Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) cho hay, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong quản lý hải quan rất quan trọng. Theo đó, việc kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, người khai hải quan tự khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Cơ quan hải quan phát hiện, ngăn chặn chuyển tải trái phép hàng hóa. Khi có thông tin nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa; kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nội dung có liên quan đến xuất xứ trong các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và thực tế hàng hóa để xác định đúng xuất xứ hàng hóa và áp dụng chế độ ưu đãi theo quy định.
Sẽ có cơ chế thông thoáng cho DN thực hiện
Tuy nhiên, khi cho phép DN tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cũng có nhiều vấn đề còn băn khoăn. Đại diện Công ty TNHH Vinatoken cho hay, công ty gia công một lô hàng ở Trung Quốc, thương hiệu của công ty và băn khoăn không biết như vậy có thể ghi trên bao bì là “Made in VietNam” được hay không? Vì trên thực tế, nếu chỉ đóng gói, gia công tức là thực hiện các thao tác đơn giản trên sản phẩm, không được tính là xuất xứ hàng hóa.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, trong quy định xuất xứ hàng hóa nếu DN nào cố tình ghi sai xuất xứ để được hưởng các ưu đãi hoặc tránh các rào cản thương mại sẽ bị xử lý nghiêm. Bởi việc này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của DN, làm mất bạn hàng, thị trường, bị truy cứu trách nhiệm hình sự... mà còn ảnh hưởng đến uy tín của cả một ngành hàng trên thương trường quốc tế. Khắc nghiệt hơn, khi sản phẩm bị loại ra khỏi danh sách hưởng ưu đãi thuế quan sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các DN khác.
Theo Báo Công Thương