Bạn đang ở đây

Doanh nghiệp lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường Myanmar

25/04/2012 09:54:24

Theo số liệu của Hải quan Myanmar, quý I-2012, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Myanmar ước đạt 45 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kì năm 2011.

Trong đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar ước đạt 20 triệu USD, tăng 16,8%. Những mặt hàng giá trị kim ngạch xuất khẩu cao có thể kể đến như: Thép các loại đạt 5 triệu USD; nguyên phụ liệu may mặc đạt 1,5 triệu USD; màn chống muỗi đạt 1,5 triệu USD; phân bón hóa học đạt 1 triệu USD; thiết bị điện đạt 800.000 USD…

Bên cạnh đó, tiềm năng tiêu thụ tại chỗ của thị trường này rất lớn do 90% hàng công nghiệp và tiêu thụ phải nhập khẩu. Từ năm 2007 đến nay, Myanmar nhập khẩu hàng hóa từ 130 thị trường trên thế giới, trong đó Việt Nam là nhà xuất khẩu đứng ở vị trí thứ 12.

Myanmar cũng có nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài như: miễn thuế 8 năm, được thuê đất trong vòng 50 năm, không bị hạn chế mức góp vốn tối đa và doanh nghiệp sẽ được cấp phép đầu tư trong vòng hai tuần khi đầy đủ thủ tục…

Đây là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường giàu tiềm năng này.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Tấn Phong, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM, khi xuất khẩu sang thị trường Myanmar, các doanh nghiệp cần biết rằng: Chính phủ Myanmar thu ba loại thuế đánh vào hàng nhập khẩu là thuế nhập khẩu, thuế thương mại và lệ phí giấy phép. Đồng thời, các doanh nghiệp muốn tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa có thể làm hồ sơ gửi tới Tổng vụ Thương mại, Bộ Thương mại để đăng kí xin giấy phép.

Bên cạnh đó, yêu cầu về nhãn mác cũng rất quan trọng khi xuất khẩu sang đất nước này. Myanmar không cho phép nhập khẩu hàng hóa từ Đài Loan và một số hình ảnh như Phật hay hình quốc kì không được phép sử dụng trên nhãn hàng hoặc thương hiệu.

Myanmar thường có thói quen là gặp gỡ nhau, trực tiếp trao đổi, tiếp xúc, bàn bạc thảo luận trước khi kí kết hợp đồng kinh tế. Vì vậy, nếu chỉ liên hệ qua điện thoại, fax và internet thì rất khó thành công.

Doanh nhân Myanmar cũng có thói quen viếng thăm trụ sở, nơi làm việc của nhau, thăm nhà máy sản xuất chế biến sản phẩm, xem xét quy trình công nghệ, đội ngũ công nhân viên chức. Sau đó họ sẽ đàm phán, thương thảo, quyết định kí kết hợp đồng kinh tế. Doanh nhân Myanmar thường yêu cầu đối tác nhập khẩu “đặt cọc” bằng tiền mặt khoảng 10% tổng giá trị hợp đồng kinh tế.

Ngoài ra, việc thanh toán trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa doanh nghiệp Myanmar với doanh nghiệp nước ngoài tương đối khó khăn, chủ yếu thông qua một số ngân hàng ở Singapore…

Theo vinanet.vn