Đặt hàng đối với ông Đào Quang Lợi-Tùy viên thương mại mới tại Nhật Bản, đại diện KCN Hiệp Phước cho biết: các DN đang có nhu cầu tìm hiểu kỹ hơn về thị hiếu, phong cách làm việc của nhà đầu tư Nhật Bản để đầu tư mới của KCN trong thời gian tới phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của nhà đầu tư. Thực tế, thời gian qua mặc dù đã tiếp cận thông tin qua nhiều kênh như ITPC, VCCI, Jetro… tuy nhiên DN vẫn chưa nắm bắt được nhu cầu thực tế của các DN Nhật Bản.
Theo kiến nghị của đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam, các Tham tán, Tùy viên thương mại nên cập nhật các thông tin thường xuyên về thị trường, đồng thời có những hoạt động hỗ trợ khi DN đi xúc tiến thị trường. Theo phản ánh của Hiệp hội Điều, trong năm qua, Hiệp hội có tổ chức các đoàn đi xúc tiến ở thị trường Mỹ. Mặc dù hiệp hội có gửi công văn sang nhờ Thương vụ hỗ trợ nhưng không thấy phản hồi. Ngoài thị trường Mỹ, Hiệp hội Điều cũng đề nghị Tham tán thương mại tại thị trường Ấn Độ tìm hiểu nhu cầu sản phẩm điều ở thị trường này cũng như hoạt động của ngành chế biến điều ở Ấn Độ.
Ông Đào Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Hiệp hội chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) đề nghị các Tùy viên thương mại tại thị trường châu Âu giới thiệu tiềm năng của ngành gỗ Việt Nam với DN châu Âu. Bên cạnh đó, Hawa cũng đề nghị các thương vụ kết nối thương mại và giới thiệu các cơ hội đơn đặt hàng cho DN.
Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu cho biết, ngành tiêu Việt Nam hiện đang xuất sang 97 thị trường và đang tập trung nhiều vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, giá tiêu của Việt Nam xuất vào Mỹ vẫn đang phải chịu mức giá thấp hơn giá thị trường. Do đó, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu đề nghị các tùy viên thương mại hỗ trợ tìm hiểu nguyên nhân khiến giá tiêu sụt giảm trong khi DN đã đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Bên cạnh thị trường Mỹ, Hiệp hội Hồ tiêu cũng đề nghị Tham tán hỗ trợ xúc tiến XK tại thị trường Ai Cập do thị trường này đang được xem là "cánh cửa" để các DN tiếp cận các thị trường khu vực Bắc Phi và Trung Đông.
Theo ông Đinh Hồng Kỳ, đại diện Hiệp hội Gạch ngói, kênh thương mại điện tử đang đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động xuất khẩu của DN. Vì vậy, cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước nên lập một trang thương mại điện tử để tạo sự tương tác thuận lợi giữa DN Việt Nam và DN các nước. Bên cạnh đó các DN trong nước rất cần sự hỗ trợ của các thương vụ trong việc thẩm định thông tin về các khách hàng tại các thị trường.
Trao đổi với các DN, các Tham tán, Tùy viên thương mại đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng cũng như các chương trình xúc tiến thương mại tại các thị trường do mình phụ trách. Trong đó, Tùy viên thương mại tại thị trường Nhật Bản hứa với đại diện KCN Hiệp Phước trong vòng 2 tháng sau khi đến Nhật nhận nhiệm vụ sẽ liên hệ lại với DN để cung cấp những thông tin mà DN đang cần.
Bà Trương Thùy Linh, Tham tán thương mại tại bang Houston (Mỹ) cho biết, các Tham tán, Tùy viên thương mại được bổ nhiệm đều mong muốn nhận được nhiều đơn đặt hàng của cộng đồng DN trong nước. Qua các kiến nghị của DN, khi sang thị trường được phân công công tác, các Tham tán, Tùy viên thương mại sẽ định hướng được công việc và nhanh chóng tiếp cận thị trường, tìm hiểu những thông tin phù hợp với nhu cầu của DN.
Cùng quan điểm như trên, ông Tạ Quang Hòa, Tùy viên thương mại tại thị trường Maroc cũng cho biết, sẽ cố gắng hết mình để hỗ trợ cho DN tiếp cận thị trường.
Theo Báo Hải quan