Các nhà làm chính sách hy vọng chính sách này sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu, vốn đang suy giảm liên tục trong 9 tháng vừa qua, ước tính Ấn Độ sẽ xuất khẩu thêm được khoảng 5 tỷ USD các sản phẩm thực phẩm chế biến trong 2 năm tới vào thị trường Tây Á, đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất các sản phẩm thực phẩm chế biến của Ấn Độ. Bên cạnh đó, chính sách này sẽ giúp các nhà xuất khẩu của Ấn Độ gia tăng giá trị cũng như giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người lao động trong nước.
Hiện nay, Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp thô và sơ chế, doanh thu xuất khẩu dễ bị ảnh hưởng do điều kiện thời tiết khí hậu và vấn đề an ninh lương thực.
Thông báo của Ủy ban kinh tế nêu rõ: “Việc xuất khẩu các sản phẩm chế biến và các sản phẩm giá trị gia tăng sẽ không làm ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường nội địa, chính sách này không những giúp giảm hao hụt đối với các sản phẩm dễ hư hỏng mà còn giúp nâng cao giá trị của sản phẩm”.
Các chuyên gia trong ngành cũng cảm thấy rằng quyết định này sẽ thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm chế biến và sản phẩm nông nghiệp của Ấn Độ trong thời gian tới. Ông Ajay Sahai, tổng giám đốc Liên đoàn các Tổ chức Xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) nhận định “Quyết định của Chính phủ cho phép xuất khẩu các sản phẩm chế biến sẽ giúp các nhà xuất khẩu mở rộng được mặt hàng và thị trường từ đó sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn vào lĩnh vực này để phục vụ thị trường xuất khẩu”.
Theo Moit.gov.vn