Bạn đang ở đây

DN nhỏ và vừa: “Xương sống” cho phát triển kinh tế

22/04/2014 10:18:27

Vai trò của khối DNNVV đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam?

 Có thể nói rằng, khu vực DN này đóng vai trò chủ chốt, chiến lược đối với quá trình tăng trưởng kinh tế. Điều này đã được chứng minh qua các giai đoạn phát triển kinh tế ở các nước đi trước. Theo mô hình của các nước có nền kinh tế thị trường, họ đều khởi đầu từ những DNNVV sau đó mới thúc đẩy đầu tư, biến những DN đó trở thành các DN, tập đoàn lớn trong quá trình phát triển. Bởi lẽ, tất cả các DN lớn, các tập đoàn để có thể phát triển vững mạnh đều bắt nguồn từ những DN nhỏ hoặc vừa.

 Vào thời kỳ trước đổi mới, Việt Nam đã lựa chọn mô hình giống như của Xô Viết trước đây, đó là hình thành các DN lớn.  Nhưng sau đó, Chính phủ đã có những thay đổi nhất định, đặc biệt là việc thúc đẩy các DNNVV phát triển; thay vào đó là giảm dần số lượng, quy mô của các DN nhà nước. Đây là chủ trương đúng đắn bởi thực tế người Việt Nam có trí tuệ và rất sáng tạo, lại có tư duy và nhiều ý tưởng kinh doanh từ cấp hộ gia đình trở lên. Nếu được quan tâm và hỗ trợ kịp thời chắc chắn họ sẽ rất có điều kiện để phát triển thành các DN lớn mạnh. Bên cạnh đó, đối với sự phát triển của Việt Nam hiện nay, có 2 lĩnh vực chủ chốt mà các DNNVV có lợi thế và khả năng phát huy thế mạnh đó là công nghiệp chế tạo, dịch vụ. Đối với ngành công nghiệp chế tạo, các DNNVV có thể hợp tác với các tập đoàn lớn để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ… Còn đối với lĩnh vực dịch vụ, thì các DN rất có lợi thế trong việc phát triển công nghệ thông tin, du lịch, tài chính…

Phát triển DNNVV ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Theo ông, làm thế nào thúc đẩy mô hình DN này?

 Một trong những trở ngại lớn nhất đó là việc tiếp cận với các nguồn vốn thương mại. Còn nhiều tồn tại về mặt thủ tục vay vốn, ví dụ như tiêu chuẩn tiếp cận nguồn vốn cho những DN này cũng không đảm bảo. Ngoài ra, còn có những vấn đề về khả năng nộp thuế, khả năng đầu tư để áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và cả sự hiểu biết về văn hóa kinh doanh của các nước khác. Hơn nữa, quy mô của các DN này quá nhỏ nên cũng khó để chứng minh được năng lực.

Để giải quyết được vấn đề này, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ những nước phát triển. Chính phủ của họ luôn có chương trình hỗ trợ cho DNNVV hoặc những DN mới bắt đầu khởi nghiệp. Việt Nam nên mạnh tay hơn trong việc hỗ trợ các DNNVV, để họ có đủ “năng lượng”. Điểm thứ hai là hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật và ý tưởng, quan điểm lập quy hoạch chiến lược… Nếu đội ngũ DN này không được quan tâm đúng mức và hỗ trợ kịp thời thì chắc chắn sẽ không thể tự phát triển thành những DN lớn, tầm cỡ.

Là nước có lực lượng DNNVV đông đảo và hoạt động rất hiệu quả, kinh nghiệm của Thụy Sĩ trong việc phát huy vai trò của khối DN này?  

Tại Thụy Sỹ, các DNNVV được coi là xương sống trong phát triển kinh tế. Chỉ cần các DN có ý tưởng, có tư duy chiến lược, tư duy thị trường, nếu họ cần bất kể sự hỗ trợ nào về vốn, kỹ thuật…, nhà nước sẽ tạo điều kiện tối đa để ý tưởng đó được thực hiện. Câu chuyện về thành công của Nestlé chính là một minh chứng cụ thể cho điều này. Ban đầu đây chỉ là một thương hiệu rất nhỏ và chỉ là một người đứng ra thành lập nhưng sau đó đã phát triển thành tập đoàn lớn mạnh mang tầm quốc tế.

Xin cám ơn ông!

Theo Báo Công Thương

Back to top