Bạn đang ở đây

DN chủ động tham gia hoàn thiện thể chế

23/03/2015 08:33:34

Vì sao đã cải cách nhưng DN vẫn “khổ”

Đánh giá kết quả thực hiện cải cách, các chuyên gia cho rằng việc Nghị quyết 19 được ban hành năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả lớn, rất đáng ghi nhận. Xét theo lĩnh vực cụ thể, Việt Nam đã giảm được tới gần 400 giờ nộp thuế, giảm thời gian cấp điện cho DN từ 115 ngày còn 18 ngày, thủ tục hải quan đã áp dụng cơ chế thông quan điện tử, một cửa quốc gia...

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: Kết quả sẽ được công bố chính thức vào tháng 5 tới, nhưng ban đầu, nhiều DN phản ánh là ngành Thuế, Hải quan đã nỗ lực khắc phục điểm yếu, các bộ phận cải cách, hiện đại hóa đã tích cực phối hợp và có những kết quản khả quan.

Tuy đã có những cải cách ở các ngành nói chung, nhưng vẫn còn những vật cản đối với doanh nghiệp chưa được thống kê đầy đủ. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, không ít doanh nghiệp vẫn phản ánh mình “phải cõng” nhiều chi phí. Ví dụ một chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú phản ánh nhận được thiếp chúc mừng dịp năm mới kèm theo yêu cầu “mừng tuổi” cho một số cán bộ. Hoặc một số doanh nghiệp phải đóng góp cho nhân viên một cơ quan đi nghỉ hè, hoặc đóng góp có các đoàn của địa phương khảo sát nước ngoài. Ông Doanh cũng kể lần đi làm việc ở địa phương, sau khi ăn tối một số doanh nghiệp được gọi đến để giải quyết khâu thanh toán...

Đây là những hành vi “tham nhũng vặt” mà nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận trong khi trên thế giới có quy định và bị xử lý rõ ràng, nghiêm khắc.

Do đó, trong triển khai cải cách cần có đại diện của cộng đồng DN, hiểu rõ DN, ví dụ như các cơ quan của VCCI phối hợp thường xuyên với nhóm chuyên gia quốc tế để thực hiện khảo sát.

Thực thi Nghị quyết 19 và cơ hội với DN

Đại diện ngành đi đầu trong lĩnh vực cải cách thủ tục, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Một điểm mới đáng chú ý của Nghị quyết 19 là công tác hoàn thuế và thanh tra thuế. Bộ Tài chính sẽ rà soát các quy định của Luật Quản lý thuế, các quy trình thanh tra, giải quyết khiếu nại và hoàn thuế giá trị gia tăng, bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, tối giản các thủ tục hành chính cho người nộp thuế… 

Để triển khai  Bộ Tài chính đang xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật liên tục, tiến trình giải quyết hồ sơ công khai, cái nào đang hay chưa giải quyết. Bộ Tài chính sẽ xây dựng và công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm ít nhất 90% hoàn thuế theo đúng thời gian quy định và về giải quyết các khiếu nại của người nộp thuế, bảo đảm yêu cầu ít nhất 90% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính cũng quán triệt việc thanh tra phải có nguyên tắc, tiêu chí, tránh để “gánh nặng cho DN”, kiểm tra không phân biệt đối tượng, “phải có bệnh mới chữa”.

Còn ông Đặng Thanh Bình, chuyên gia về Hải quan cho biết: Về thời gian thông quan hàng hóa XNK vướng nhất là giám sát chuyên ngành, khoảng 34% hàng hóa XNK trải qua quản lý chuyên ngành.  Đây là một trong những điểm vướng mắc, thậm chí có lô hàng chịu quản lý của 2-3 bộ, nhưng các cơ quan này khi làm không kế thừa của nhau làm một cách độc lập, gây phức tạp không cần thiết. Do đó, Nghị quyết 19 lần này đã có tinh thần chỉ đạo rất cụ thể, đúng đắn là các bộ cần nghiên cứu kỹ đó là cải cách toàn diện về quản lý chuyên ngành, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Để thực hiện được điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các đơn vị liên quan. Cần có các quy định cụ thể rõ ràng về phối hợp quản lý chuyên ngành liên quan đến các đơn vị khác nhau (Cục Bảo vệ thực vật, thú y, hóa chất …). Ngoài ra, phải thực hiện xã hội hóa kiểm tra chuyên ngành, sử dụng hạ tầng không nhất thiết phải là cơ quan hải quan.

Đại diện VCCI, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng: Doanh nghiệp tích cực không chỉ kêu ca, phàn nàn mà đây là lúc doanh nghiệp cần tích cực “tham gia” vào xây dựng thể chế. Một trong những nội dung của Nghị quyết 19 của Chính phủ thể hiện rất rõ tinh thần đó. VCCI sẽ kiến nghị cũng như lấy ý kiến Mặt trận Tổ quốc về các quy định liên quan đến người dân, các văn bản pháp luật liên quan đến môi trường kinh doanh, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của VCCI…

“Thời gian tới, VCCI sẽ đẩy mạnh tổ chức nghiên cứu phổ biến kinh nghiệm tốt trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính”, ông Lộc nhấn mạnh.

Đại diện VCCI cho rằng, việc triển khai cải cách Luật sửa nhiều Luật, một Thông tư sửa nhiều Thông tư cũng là một hướng đi đúng. Bất cứ điều gì bất cập có thể sửa ngay, tránh tình trạng như trước đây, sau khi rà soát mới phát hiện ra vướng mắc ở Luật nhưng phải chờ quy trình khá lâu để sửa.

Theo Chinhphu.vn