Hiện tại thặng dư cán cân thanh toán tương đối lớn. Riêng năm 2015, trên cơ sở đánh giá tình hình cán cân thanh toán quốc tế, phối hợp các cơ quan khác như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN tính toán con số cán cân thanh toán thặng dư là khoảng 5 tỷ USD.
Nguyên tắc điều hành tỷ giá của NHNN luôn chú trọng kiểm soát các yếu tố, bao gồm cả yếu tố ngắn hạn, gây áp lực thị trường ngoại tệ, phối hợp chính sách lãi suất tỷ giá theo phương châm bảo vệ tiền Việt Nam, chống đô la hóa của Chính phủ.
Phó Thống đốc khẳng định, việc điều chỉnh tỷ giá phải tính trên bình diện tổng thể nền kinh tế, không phải vì lợi ích một nhóm DN xuất khẩu. Hơn nữa, nhiều ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu hiện nay phụ thuộc vào nguồn nguyên, nhiên, vật liệu của nước ngoài. Ví dụ như trong xuất khẩu nông sản, người nông dân lại chịu thiệt khi phải nhập phân bón, thuốc trừ sâu với giá cao hơn.
Phó Thống đốc lưu ý, hiện nay lạm phát tuy ở mức thấp nhưng không thể chủ quan. Lịch sử cho thấy lạm phát có thời kỳ giảm nhưng lại tăng. Hơn nữa, hiện nay nợ công đang sát với ngưỡng cho phép, khi điều chỉnh tăng tỷ giá mức lớn, thì nợ nước ngoài tăng lên, tăng sức ép nợ công. Ngoài ra, nghiên cứu vừa qua của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho rằng, tỷ giá ở Việt Nam chưa có dấu hiệu “không phù hợp”.
Về tái cơ cấu ngân hàng, Phó Thống đốc khẳng định ngành Ngân hàng đã tham mưu trình Chính phủ và Bộ Chính trị về tái cơ cấu xử lý nợ xấu. Do nguồn lực ngân sách hạn chế, ngành Ngân hàng phải tổng hợp các nguồn từ tổ chức tín dụng (TCTD), nguồn dự phòng rủi ro, đồng thời luôn xác định mở rộng tín dụng luôn gắn với đảm bảo quản lý rủi ro hiệu quả.
NHNN cũng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi của Nghị định 58, với trọng tâm nới room cho nhà đầu tư ngoại, gắn cổ phần hoá với niêm yết, phát triển thị trường chứng khoán phái sinh để giúp thực hiện mục tiêu giảm nợ xấu xuống còn 3% vào cuối năm.
Bên lề hội thảo, TS Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, tỷ giá đã và đang được điều hành tốt. Thông điệp giữ ổn định tỷ giá trong biên độ 2% đã giúp DN có định hướng rõ ràng.
TS Kiên lưu ý diễn biến tình hình kinh tế 8 tháng tới đây sẽ rất phức tạp, với dư địa còn 1%, phải chọn thời điểm điều chỉnh sao cho có lợi ích nhất cho nền kinh tế, không phải cứ dao động tâm lý là điều chỉnh ngay.
“Theo tôi, có thể cũng chưa phải điều chỉnh vì dự trữ ngoại hối còn rất lớn. Việc điều chỉnh có thể vào tháng 8 khi vào một mùa sản xuất mới. Hơn nữa, mức điều chỉnh cũng chỉ ở 0,5% vì dự trữ ngoại hối đang rất lớn. Với dự trữ này, NHNN sẵn sàng can thiệp để ổn định tỷ giá”, TS Kiên nói.
Dưới góc độ chuyên gia quốc tế, ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng: Căn cứ và những số liệu về cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, các yếu tố về lạm phát thì việc giữ ổn định tỷ giá thời gian qua của NHNN là hợp lý, giúp Việt Nam tránh được những tác động từ bên ngoài.
Theo Chinhphu.vn