Kết thúc phiên đàm phán thứ 5 Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc
Trên trang 3, số 119, Báo Lao Động ra ngày 26/5 đã đưa ra thông tin: “Kết thúc phiên đàm phán thứ 5 Hiệp định FTA VN - Hàn Quốc”. Theo đó, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc vừa kết thúc vòng đàm phán thứ 5 Hiệp định thương mại song phương (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra từ ngày 20-23/5 tại Seoul, Hàn Quốc. Hai bên đã đạt được tiến bộ trên nhiều lĩnh vực như thuế quan, quy tắc xuất xứ, dịch vụ, đầu tư, pháp lý và thể chế, phòng vệ thương mại, các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS), các biện pháp kỹ thuật (TBT), hợp tác kinh tế, v.v...
Thông tin từ bài báo cho biết, đoàn đàm phán Việt Nam tiếp tục tham gia thảo luận một số nội dung như cạnh tranh, thương mại điện tử và sở hữu trí tuệ. Về mở cửa thị trường hàng hóa, Việt Nam tiếp tục đề nghị phía Hàn Quốc xem xét thoả đáng các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh và lợi ích xuất khẩu như thuỷ sản, nông sản. Đổi lại, Việt Nam có thể xem xét thỏa đáng các lợi ích xuất khẩu của Hàn Quốc và cải thiện cam kết so với Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA). Hai bên dự kiến kết thúc đàm phán FTA trong năm 2014.
Được biết, Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Năm 2013, thương mại hai chiều của 2 nước đã tăng gần 55 lần, từ 0,5 tỉ USD năm 1992 lên 27,3 tỉ USD năm 2013.
50 doanh nghiệp Mi-an-ma kết nối với doanh nghiệp Việt Nam
Là nhan đề bài viết đăng trên báo Người Lao Động điện tử ngày 26/5. Theo đó, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) sẽ tổ chức Hội chợ Triển lãm Thương mại-dịch vụ-du lịch Việt Nam - Mi-an-ma và chương trình khảo sát thị trường tại thành phố Yangon của Mi-an-ma trong tháng 6 tới.
Đây là lần thứ tư ITPC tổ chức sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư thường niên tại Mi-an-ma theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và được sự chấp thuận của Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Thương mại Mi-an-ma nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thâm nhập thị trường, thiết lập các quan hệ đối tác, hình thành kênh phân phối hàng hóa Việt Nam cũng như trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.
Để chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư vào thị trường Mi-an-ma đạt hiệu quả cao, ITPC đã tổ chức tìm hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp muốn kinh doanh, đầu tư tại Mi-an-ma cũng như liên hệ với các doanh nghiệp đã đầu tư, kinh doanh ở Mi-an-ma để nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp cần hỗ trợ. Tìm hiểu những mặt hàng kinh doanh trong thời gian tới, cũng như những chính sách của Mi-an-ma mà doanh nghiệp cần biết.
Để hỗ trợ chương trình tốt hơn, ban tổ chức còn yêu cầu các doanh nghiệp đã xâm nhập Mi-an-ma đánh giá thị trường, tiềm năng, cách thức bám trụ phát triển cho tương lai. Chủ trương là doanh nghiệp xác định cạnh tranh về chất lượng, không cạnh tranh về giá, khi đàm phán với đối tác nhất quán không sản xuất hàng giá thấp. Một số doanh nghiệp đã có nhà phân phối ở cả kênh chợ và kênh siêu thị.
Hầu hết hàng xuất sang Mi-an-ma đều mang nhãn hiệu của chính doanh nghiệp Việt Nam, có logo, tên công ty và địa chỉ liên hệ trên mỗi sản phẩm. Một số doanh nghiệp đã cung cấp hoặc đang nhắm tới kênh tiêu thụ là các công trình xây dựng cơ bản, cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch. Một số doanh nghiệp khác nhắm tới kênh tiêu thụ là các công ty sản xuất trong các khu công nghiệp để phục vụ nhu cầu xây dựng nhà xưởng hoặc cung cấp các vật dụng, nguyên vật liệu dùng trong sản xuất.
Quảng Ngãi: Lý Sơn sẽ có điện lưới quốc gia vào đầu tháng 10
“Quảng Ngãi: Lý Sơn sẽ có điện lưới quốc gia vào đầu tháng 10” là thông tin trên trang 3, số 119 Báo Lao độngra ngày 26/5/2014. Bài báo cho biết: “Chiều 24/5, trong cuộc họp giao ban với UBND tỉnh Quảng Ngãi về tiến độ dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho huyện đảo Lý Sơn tại UBND huyện, ông Nguyễn Tấn Lộc - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho biết Lý Sơn sẽ có điện lưới quốc gia vào đầu tháng 10/2014.
Dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho huyện đảo Lý Sơn là một trong 3 dự án cấp điện cho huyện đảo mà Tập đoàn EVN đang thực hiện và đã thực hiện thành công, trước đó EVN đã đưa điện lưới quốc gia ra đảo Phú Quốc và Cô Tô.
Theo ông Lộc, khác với Cô Tô và Phú Quốc, việc kéo cáp ngầm ra đảo Lý Sơn khó khăn hơn do mực nước rất sâu, có chỗ sâu tới 80m, trong khi ở Phú Quốc, Cô Tô thì độ sâu chỉ khoảng 15m. Ngoài ra, thiết kế thi công có sự điều chỉnh lệch tuyến vì va phải các vỉa đá lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì EVN đã có giải pháp thi công phù hợp.
Tác giả bài báo cho biết: “Dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho huyện đảo Lý Sơn có tổng mức đầu tư 652,5 tỉ đồng, bao gồm phần đầu tư 8,746km đường dây trung áp trên không đất liền thuộc huyện Bình Sơn và đầu tư 26,219km đường cáp ngầm 22kV dưới biển từ đất liền ra đảo. Ngoài ra, phần đường dây trên không ở đảo Lý Sơn thuộc dự án cải tạo và nâng cấp lưới điện phân phối huyện đảo Lý Sơn sử dụng vốn vay Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) được triển khai đồng thời với dự án này. Khi đi vào hoạt động, hệ thống điện lưới quốc gia sẽ thay thế 4.200 công tơ điện tử đang phục vụ 22.000 người dân của huyện đảo, giúp người dân có điện sinh hoạt 24/24h”.
Xuất khẩu dệt may đạt gần 6 tỷ USD
Theo VOV điện tử ngày 26/5 thì “Xuất khẩu dệt may đạt gần 6 tỷ USD”. Tác giả bài viết đưa ra thông tin này bởi số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan cho biết, hàng dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 4 tháng/2014 gần 6 tỷ USD, tăng mạnh 21,3% so với cùng kỳ năm trước.
Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác lớn nhất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam với kim ngạch đạt 2,95 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm hơn 49% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong 4 tháng qua sang EU đạt 830 triệu USD, tăng 24,6%; Nhật Bản đạt 784 triệu USD, tăng 13%; và Hàn Quốc: 571 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2013.
Đáng chú ý, so cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang UAE trong 4 tháng đầu năm 2014 tăng đến 131%, đạt 35,8 triệu USD.
Theo Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), dệt may luôn nằm trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang UAE. Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm hàng này đứng thứ 3 về giá trị trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang UAE sau điện thoại và linh kiện, máy tính – sản phẩm điện tử và linh kiện.
Nhu cầu nhập khẩu nhóm hàng dệt may của UAE hàng năm đạt khoảng trên dưới 6 tỷ USD. Như vậy, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam sang UAE chỉ chiếm khoảng 1,4% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của UAE.
Cần cơ chế cho xăng E5
Trên trang 2, Báo Diễn đàn doanh nghiệp số 43 ra ngày 28/5 có bài viết đáng chú ý: Cần cơ chế cho xăng E5.
Thông tin từ bài báo cho rằng, hiện việc sản xuất và kinh doanh năng lượng sinh học tại Việt Nam đang ở giai đoạn khởi đầu, giá thành sản xuất còn cao, xăng E5 chưa thể rẻ hơn so với xăng truyền thống. Trong khi đó, người tiêu dùng hiện chưa có nhiều thông tin về sản phẩm xăng E5, các lợi ích về môi trường, xã hội mà xăng E5 mangl ại nên còn phát sinh tâm lý dè dặt, lo lắng khi sử dụng sản phẩm cho các phương tiện của mình.
Đặc biệt từ cuối năm 2011 đến đầu năm 2012 xảy ra hiện tượng các phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) bị cháy nổ nhiều chưa xác định được nguyên nhân chính. Đến nay, vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan chức năng nên ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai kinh doanh xăng E5 của PV Oil, v.v…
Để xăng E5 có chỗ đứng thực sự như mặt hàng xăng dầu khác, cần cơ chế chính sách ưu đãi cho sản xuất kinh doanh xăng E5. Cụ thể, miễn 100% phí xăng dầu đối với mặt hàng xăng E5; miễn thuế môi trường đối với xăng pha cồn E5 theo quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường, vì đây là một sản phẩm thân thiện với môi trường; giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông (bao gồm cả phần xăng nền dùng để pha chế xăng E5); áp dụng mức thuế suất VAT bằng 0 đối với sản phẩm đầu ra E100 của các nhà máy nhiên liệu sinh học.
5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 58,5 tỷ USD
"5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 58,5 tỷ USD" là nhan đề bài viết đăng trên trang 2, báo Đại biểu Nhân dân số 149 ra ngày 29/5 vừa qua. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm ước đạt 58,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ.
Số liệu cho biết, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 19 tỷ USD, tăng 11,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 39,5 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ. 5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 56,8 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 24,3 tỷ USD, tăng 7,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 32,5 tỷ USD, tăng 11,4%.
Tính chung 5 tháng, cả nước xuất siêu 1,6 tỷ USD, bằng 2,8% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu khá cao với 6,9 tỷ USD; khu vực trong nước tiếp tục nhập siêu với 5,3 tỷ USD. Như vậy, xuất siêu vẫn thuộc về khu vực FDI trong 5 tháng đầu năm.
Về kim ngạch xuất khẩu, Điện thoại các loại và linh kiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ; hàng dệt, may đạt 7,4 tỷ USD, tăng 17%; giày dép đạt 3,8 tỷ USD, tăng 17,8%; thủy sản đạt 2,9 tỷ USD, tăng 28,1%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 2,7 tỷ USD, tăng 12,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,4 tỷ USD, tăng 11%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 17,5%; cà phê đạt 2 tỷ USD, tăng 31,3%; túi xách, ví, vali, mũ, ô dù đạt 1 tỷ USD, tăng 40,7% so với cùng kỳ.
Honda Việt Nam đạt doanh thu 55.000 tỉ đồng
Báo Pháp luật Thành phố điện tử ngày 28/5 cho biết, Honda Việt Nam đạt doanh thu 55.000 tỉ đồng. Theo đó, kết thúc năm tài chính 2014 (tháng 4/2013 đến tháng 3/2014), Honda Motor vừa công bố những kết quả kinh doanh đáng ghi nhận.
Sản lượng bán hàng xe máy toàn cầu đạt 17.021 triệu xe, tăng 9,9%; sản lượng ô tô đạt 4.323 triệu xe, tăng 7,7%. Cũng trong năm tài chính này, Honda Việt Nam (HVN) đạt doanh thu 55.000 tỉ đồng, trong đó doanh thu xe máy chiếm 95% và xuất khẩu xe máy đạt hơn 163 triệu USD. Với mảng ô tô, HVN đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng với doanh số bán hàng đạt 5.882 xe, tăng trưởng 173%.
Về hoạt động xã hội, HVN thành công với hoạt động lái xe an toàn; đẩy mạnh hỗ trợ giáo dục môi trường với các chương trình trồng rừng phát triển theo cơ chế sạch, lái xe sinh thái tiết kiệm nhiên liệu, cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ, trao học bổng cho học sinh nghèo, v.v…
Đặc biệt, Tập đoàn Honda vừa nộp đơn xin thành lập Công ty Máy động lực Honda Việt Nam. Song song đó là triển khai nhiều kế hoạch như mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất thị trường trong nước và xuất khẩu bằng việc đưa nhà máy thứ ba đi vào sản xuất; đẩy mạnh xuất khẩu; áp dụng công nghệ Earth Dreams cho các mẫu ô tô; tăng cường hoạt động lái xe an toàn; đẩy mạnh hoạt động xã hội, v.v…
Tiếp tục dùng quỹ bình ổn để không tăng giá xăng, dầu
Tiếp tục dùng quỹ bình ổn để không tăng giá xăng, dầu là thông tin Thời báo kinh tế Sài Gòn điện tử đưa ra ngày 29/5. Bài báo cho biết, ngày 28/5, Bộ Công thương, Bộ Tài chính có Công văn số 7005/BTC-QLG gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối về điều hành xăng dầu, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối giữ ổn định giá bán xăng, dầu trong nước như hiện hành.
Công văn nêu rõ mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở bình quân 30 ngày từ ngày 28/04/2014 đến 27/5/2014 các mặt hàng xăng dầu như sau: Giá xăng RON 92, dầu điêzen 0,05S, dầu hỏa, dầu madút 180CST 3,5S có bán hiện hành thấp hơn giá cơ sở lần lượt là 228 đồng, 87 đồng, 52 đồng và 162 đồng (theo giá bán hiện hành của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam).
Trên cơ sở chênh lệch giữa giá bán và giá cơ sở theo tính toán như trên, Bộ Tài chính cho biết sau khi thống nhất với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối giữ ổn định giá bán xăng, dầu trong nước. Bộ Tài chính cũng cho phép các doanh nghiệp tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn giá 200 đồng/lít như hiện hành đối với xăng, 160 đồng/kg (từ 0 đồng/kg lên 160 đồng/kg) đối với dầu madút, giảm 100 đồng/lít (từ 160 đồng/lít xuống còn 60 đồng/lít) đối với dầu điêzen và giảm 90 đồng/lít (từ 180 đồng/lít xuống còn 90 đồng/lít) đối với dầu. Thời điểm áp quỹ bình ổn giá bắt đầu từ 14 giờ ngày 28/5.
Thời cơ đánh bật thép giá rẻ Trung Quốc khỏi Việt Nam
Là nhan đề bài viết trên VTC điện tử ngày 28/5. Theo đó, bài báo dẫn chứng, nếu như trước đây, thị trường thép trong nước luôn trong tình trạng “yếu thế” so với thép Trung Quốc, thì nay nhiều doanh nghiệp thép trong nước đã vươn lên và giành lại thị phần của chính mình.
Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), câu chuyện thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam mà thực chất diễn ra rất gay gắt tại thị trường các nước Đông Nam Á. Trung Quốc hiện là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, chiếm 48% sản lượng thép của thế giới.
Tại Việt Nam, một thời gian dài, thép Trung Quốc đã giữa vị trí ưu thế nhờ giá rẻ và nguồn cung lớn. Tuy nhiên, thị trường đang dần có những chuyển biến tích cực khi ngành thép vẫn có những doanh nghiệp thép vươn lên hoạt động rất tốt như Tôn Hoa Sen, Liên doanh thép Việt-Úc, Việt-Nhật, thép Hòa Phát, v.v…
Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng thép cán toàn ngành tính chung 4 tháng đầu năm 2014 đã đạt 1,08 triệu tấn, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2013, còn lượng thép thanh, thép góc sản xuất toàn ngành 4 tháng đạt gần 1,1 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Lượng sắt thép xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm cũng đạt 874 ngàn tấn với giá trị xuất khẩu 651 triệu USD, tăng gần 20% về lượng và tăng 8,6% về trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2013.
Theo ông Dũng, giá thành của các doanh nghiệp thép trong nước hiện tại cũng khá cạnh tranh và không cao. Thực tế các doanh nghiệp thép của chúng ta đã đầu tư và hiện đại hóa trang thiết bị để sản xuất những sản phẩm có giá thành cạnh tranh được với thị trường trong nước, khu vực và thế giới.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư SMC, khó khăn hiện tại của ngành thép là khó trong lĩnh vực thép xây dựng. Còn với những sản phẩm thép mà lâu nay Việt Nam phải nhập khẩu sức cầu vẫn nhiều. Theo thống kê từ VSA, trong năm 2013, dù sản lượng tiêu thụ thép xây dựng giảm thì ở mảng thép mạ kim loại, tôn lại tăng 36%, hay ống thép tăng 20%.
Nắm bắt được điều này, nhiều doanh nghiệp đã chuyển dần sang vừa phân phối vừa sản xuất gia công các loại thép dẹt gồm thép lá, cắt tấm, xả băng thép cán nguội theo yêu cầu khách hàng.
Theo các chuyên gia, đẩy mạnh xuất khẩu là cách để các doanh nghiệp thép giảm rủi ro từ cạnh tranh thị trường nội địa và duy trì đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, để có thể giành được thị phần ưu thế trong thị trường nội địa, thì các doanh nghiệp thép cần phải tổ chức lại thị trường, tái cơ cấu sản xuất để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Theo Bộ Công thương